Bài viết: Tăng cường chỉ đạo thực hiện Dự án tài trợ “Ngân hàng bò” trên địa bàn huyện, giai đoạn từ năm 2015 - 2022 có hiệu quả
Số lượt xem 2252Ngày cập nhật 07/10/2022

Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện A Lưới (khóa XI) họp ngày 15/12/2015 đã ban hành Nghị quyết về phát triển đàn bò, xây dựng nhãn hiệu thịt bò A Lưới giai đoạn 2016 – 2025 (Nghị quyết 03). Theo đó, mục tiêu đề ra là: “Từng bước nâng cao chất lượng đàn bò trên địa bàn huyện, phấn đấu đến năm 2020 tổng đàn bò đạt 10.000 con làm cơ sở xây dựng nhãn hiệu thịt bò A Lưới. Khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương; tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người chăn nuôi tiến tới sản xuất hàng hóa và làm giàu từ nghề chăn nuôi”.

Hội Chữ thập đỏ huyện giao Bò cho hộ nghèo tại xã Lâm Đớt

 

Ngày 4/10/2022, tại Hội nghị Huyện ủy lần thứ 10, khóa XII đã tổ chức sơ kết 7 năm tiển khai thực hiện Nghị quyết 03 về phát triển đàn bò, xây dựng nhãn hiệu thịt bò A Lưới giai đoạn 2016 – 2025; tại đây BCH Đảng bộ huyện thống nhất: Trên cơ sở ý kiến tham gia của các đại biểu tại hội nghị, đề nghị UBND huyện, có những giải pháp thích hợp và đề ra phướng hướng, nhiệm vụ sát thực nhằm hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết đề ra. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tiếp tục tuyên truyền, vận động, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về chủ trương phát triển đàn bò, xây dựng Nhãn hiệu thịt bò vàng A Lưới giai đoạn 2016 - 2025; góp phần phát triển KT – XH và giảm nghèo bền vững.

Được biết, trước khi Nghị quyết 03 được ban hành, để nâng cao đời sống cho các hộ nghèo và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các xã biên giới, nhằm giúp đồng bào dân tộc vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Huyện A Lưới đã có chủ trương kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện hỗ trợ cây, con giống giúp người nghèo phát triển chăn nuôi nâng đời sống và thoát nghèo bền vững; hưởng ứng lời kêu gọi của huyện đã có nhiều cá nhân, tổ chức tham gia hỗ trợ giống cây, con cho người nghèo, trong đó có Hội Chữ thập đỏ với Dự án “Ngân hàng Bò”.

Là một tổ chức xã hội, Hội Chữ thập đỏ huyện A Lưới là một trong những đơn vị tiên phong trong việc giúp đỡ, hỗ trợ giống bò cho người dân nghèo trên địa bàn; theo Quyết định số 832/QĐ-TƯHCTĐ ngày 12/11/2014 của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, về việc phê duyệt tiếp nhận Dự án “Ngân hàng bò” tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế do Tập đoàn Philip Morris (Hoa Kỳ) tài trợ.

Hội Chữ thập đỏ huyện giao Bò cho hộ nghèo xã Hồng Thủy

Trước khi triển khai thực hiện dự án, Hội CTĐ huyện đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện xin ý kiến chỉ đạo cấp trên và lên kế hoạch khảo sát, xét chọn đối tượng hưởng lợi tại 7 xã vùng Biên giới, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để dưa vào dự án.

Sau khi các xã lập danh sách, hội CTĐ tỉnh, huyện cùng đại diện dự án đã khảo sát trực tiếp đến các đối tượng hưởng lợi ở 07 xã gồm: A Đớt (nay xã Lâm Đớt); Hồng Thái; xã Nhâm (nay xã Quảng Nhâm); xã Hồng Bắc; xã Hồng Trung (nay xã Trung Sơn); xã Hồng Vân và xã Hồng Thủy. Mỗi xã chọn 10 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trên cơ sở có lao động trong nhà.

Sau gần 8 năm chăn nuôi: Bước đầu việc làm chuồng trại để nuôi 70 con bò của 7 xã, được chu đáo và chăm sóc tốt, đàn bò đã tăng lên, từ 70 con đến 119 con. Trong đó có bò mẹ đã sinh sản được 49 con bê từ 7 tháng đến 24 tháng tuổi, số đã chuyển bê 17 con cho 17 hộ, số con đã chết do bệnh và rét đậm là 37 con, đến nay đàn bò còn lại của 6 xã là: 65 con.

Tổng giá trị dự án thực hiện là: 1.156.258.000 đồng, trong đó: Kinh phí từ Trung ương Hội là: 966.258.000 đồng. Kinh phí đối ứng của huyện A Lưới là: 190.000.000 đồng.

Theo đánh giá của ông Pơ Loong Phương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện cho biết: Về mặt tích cực: Tỉnh Hội cùng UBND huyện A Lưới, các ngành liên quan của huyện A Lưới cùng đồng hành vào cuộc, ủy ban nhân dân các xã vùng Dự án tranh thủ tốt nguồn vốn, kịp thời tổ chức triển khai, thực hiện đến các hộ hưởng lợi. Nguồn vốn và cung cấp bò giống nhanh và kịp thời. Huyện Hội phối hợp với cán bộ Hội Chữ thập đỏ các xã có vùng Dự án đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên vừa tuyên truyền các mục tiêu, nội dung Dự án “Ngân hàng bò” đến các hộ hưởng lợi, về chủ trương và hình ảnh Hội Chữ thập đỏ trong việc phát triển và nhân rộng “Ngân hàng bò”. Đây là quyền lợi của người dân trong chương trình xóa đói, giảm nghèo bền vững cũng vừa hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo tại địa phương. Đặc biệt chuyển bê đúng thời hạn từ 6 tháng tuổi bê trở lên, được chuyển cho các hộ khác có nhu cầu chăn nuôi, để góp phần xóa nghèo bền vững tại địa phương nói riêng, trên địa bàn huyện nhà nói chung. Nhân dân đồng tình hưởng ứng, tiếp nhận con bò từ Dự án chăm sóc, chăn dắt tốt đàn bò của gia đình mình… khi thực hiện Dự án này theo chuẩn cũ có 11 hộ thoát nghèo, trong đó Quảng Nhâm 4, Lâm Đớt 3, Trung Sơn 4, nhưng theo tiêu chí mới nghèo đa chiều thì chưa có hộ thoát nghèo trong 11 hộ trên.

Về mặt thiếu tích cực: Hầu hết các hộ chăn nuôi bò không thực hiện theo bản cam kết từ ban đầu giữa hộ gia đình với cán bộ xã, người dân cứ nghĩ là bò của Nhà nước dù không chăm sóc tốt cũng không sao, dẫn đến xảy ra bệnh tật, mua bán tự do, có một số xã ít quan tâm dự án này cho đây là công việc của riêng Hội Chữ thập đỏ nên thiếu nhiệt tình trong công tác này.

Ông Pơ Loong Phương tiếp tục cho biết: Về thuận lợi dự án: Dự án đã được sự quan tâm của Lãnh đạo tỉnh Hội đến chính quyền địa phương huyện A Lưới, sự đồng thuận và chỉ đạo sâu sát và tích cực của các phòng, ban liên quan của huyện, UBND và các ban ngành 07 xã nằm trong vùng Dự án, tạo điều kiện thuận lợi giúp cho Dự án thành công. Bước đầu với sự phối hợp tích cực và kịp thời giữa Ban quản lý Dự án tỉnh với UBND huyện A Lưới và nhà tài trợ trong việc đồng hành thực hiện Dự án và cùng chia sẻ những giải pháp và tạo nhiều sự thuận lợi giúp huyện A Lưới, triển khai nhanh các hoạt động và sớm hoàn thành mục tiêu của Dự án. Sự tham gia tích cực của lãnh đạo 7 xã trong các hoạt động của Dự án, kịp thời họp bình xét chọn thôn, chọn đối tượng hộ hưởng lợi, ký cam kết thực hiện Dự án, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, làm chuồng trại, tham dự đông đủ trong các buổi tuyên truyền tổ chức sự kiện của Dự án…, để góp phần hỗ trợ sinh kế cho người dân trong thời gian tới và tạo dựng hình ảnh nhân đạo Chữ thập đỏ gắn kết với người nghèo. Sự tham gia hưởng ứng tích cực của các Hội viên, Ban chấp hành Hội CTĐ cơ sở đã tham mưu kịp thời và giúp việc cho UBND xã triển khai nhanh chóng, góp phần Dự án hoàn thành đúng tiến độ đảm bảo các tiêu chí đề ra. Kinh phí Dự án đảm bảo đầy đủ và kịp thời cho các hoạt động. Nhà cung cấp giống bò đã tâm huyết và quan tâm chọn lựa những con bò giống đảm bảo đủ tiêu chuẩn đặt ra của Dự án, chủ động phối hợp với ngành Thú y tiêm chủng đầy đủ thuốc vacxin, và tư vấn, dặn dò cho các hộ hưởng lợi cách chăm sóc, thời gian tiêm chủng…

Về khó khăn: Có một số xã ít quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn người dân nên chuồng trại không đảm bảo, vừa thấp, vừa chật hẹp, dẫn đến bệnh tật xảy ra như: tụ huyết trùng, lở mồm lông móng, bò gây chết rét, thiếu chú trọng thức ăn vào mùa mưa bão. Một số hộ thực hiện Dự án còn thờ ơ, khi bò mẹ đẻ con bê đến 6 tháng tuổi thiếu tự giác báo cáo cho cán bộ Hội biết, để chuyển bê cho hộ khác đúng thời gian như bản cam kết. Khi bò bị bệnh không báo cáo cho cán bộ hội biết, khi bán bò chết không tự giác nộp tiền bán cho cán bộ hội Chữ thập đỏ xã. Một số xã cán bộ thôn, cán bộ Hội có xã thiếu nhiệt tình hoạt động trong lĩnh vực này. Đặc biệt khi họp xét hộ chăn nuôi ưu tiên còn tình trạng nặng về gia đình, họ hàng.

Hội Chữ thập đỏ huyện kiến nghị đề xuất: Tỉnh hội đề nghị Trung ương Hội CTĐ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ cho 5 xã còn lại nằm trong vùng biên giới và hỗ trợ kinh phí mua bò phải đảm bảo trên 15 triệu đồng/con, nhằm tạo điều kiện sinh sản nhanh, để sớm luân chuyển bê cho các hộ khác trên địa bàn; đề nghị tỉnh bổ sung dự án bò cho xã Hồng Thủy đã chuyển. Ngoài dự án bò, đề nghị tỉnh hội quan tâm giới thiệu các nhà hảo tâm hỗ trợ địa chỉ nhân đạo cho các hộ gặp nhiều khó khăn không khả năng tự vươn lên.

Trong thời gian tới, để triển khai dự án tốt hơn Hội Chữ thập đỏ huyện A Lưới đề ra ba nhóm giải pháp cụ thể, đó là: Tiếp tục kiểm tra, giám sát đôn đốc trong việc đang thực hiện dự án “Ngân hàng bò” trên địa bàn của 6 xã còn lại (trừ Hồng Thủy). Thường xuyên chỉ đạo Hội cơ sở xã có dự án bò, tăng cường công tác kiểm tra, nắm tình hình chăn nuôi bò của dự án tại các hộ hưởng lợi, để giải quyết kịp thời những khó khăn, hạn chế trong quá trình chăn nuôi, đồng thời định kỳ báo cáo tình hình thực hiện dự án với lãnh đạo cấp trên. Phối hợp với khuyến nông huyện, mở lớp tập huấn các kỹ năng về kỹ thuật chăn nuôi bò vàng trên địa bàn huyện.

ĐTĐ
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm tin tức

 

   Đồng chí HUỲNH CÔNG QUẢNG                  TUV, BÍ THƯ HUYỆN ỦY

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.041.705
Truy cập hiện tại 526