Bài viết: Mùa xuân mới - Niềm tin mới và hy vọng mới trên vùng đất A Lưới Anh hùng
Số lượt xem 2936Ngày cập nhật 11/02/2022

Như chúng ta đã biết, A Lưới là huyện miền núi vùng cao của tỉnh Thừa Thiên Huế, có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng chung sống; đồng thời, cũng là huyện có chung đường biên giới với hai huyện của nước bạn Lào (Kà Lừm - tỉnh Sê Kông và Sá Muội - tỉnh Salavan); năm 2021, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song dưới sự lãnh đạo quyết liệt của cấp ủy, sự chủ động trong quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, sự nhập cuộc nhịp nhàng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, sự đồng thuận, tin tưởng của Nhân dân các dân tộc toàn huyện; địa phương đã về đích với nhiều kết quả đáng trân trọng.

Có thể nói rằng, năm 2021 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức rong cả nước và huyện A Lưới không nằm ngoài vòng xoáy đó; cùng với những khó khăn của một huyện miền núi, vùng cao xa trung tâm tỉnh, như xuất phát điểm nền kinh tế thấp; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống yếu kém; chất lượng nguồn nhân lực thấp; điều kiện đi lại của Nhân dân khó khăn…thì A Lưới cũng là địa bàn thường xuyên bị dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thiên tai, mưa lũ gây sạt lỡ đất ở các trục đường vào huyện và các khu dana cư; đặc biệt, trong năm qua dịch COVID-19 bùng phát, có thời điểm số ca nhiễm (F0) lên đến hàng trăm người; huyện phải đề xuất ngoài các “T” cách ly, cần nhanh chống thành lập 03 Khu thu dung điều trị F0 tại địa phương, nhằm hạn chi phí, tổn thất cho người dân.

Trước những tác động bất lợi đó, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt nam tỉnh, cùng với sự phối hợp của các sở, ban ngành cấp tỉnh; dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân toàn huyện nên tình hình kinh tế - xã hội của huyện trong năm 2021 phát triển khá ổn định, các lĩnh vực đời sống chuyển biến tích cực.

Đáng kể ra đây là: Cơ cấu các khu vực kinh tế: Nông, lâm, ngư nghiệp 38,7%; Công nghiệp xây dựng 30,7%; Du lịch, dịch vụ 30,6%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 41 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 850 triệu đồng; Duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 75%; các chỉ tiêu về bảo hiểm; huy động trẻ em đến trường; thu gom và xử lý chất thải rắn đều đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra; năng suất lúa nước đạt 59 tạ/ha. Bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn nhất định như tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập bình quân đầu người còn thấp.

Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2021 đạt 541,9 tỷ đồng, tăng 32,8 tỷ đồng so với năm 2020. Duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP đã được đánh giá 04 sao, 03 sao; đồng thời, triển khai đăng ký mới 03 sản phẩm OCOP: Gạo Ra Dư - xã Hồng Thủy, Sản phẩm thịt Bò xông khói - xã Hồng Thượng; điểm du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr - Hồng Kim; bên cạnh đó, huyện đã xây dựng Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện A Lưới giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030”, để tham mưu cho Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề vào đầu năm 2022. Về trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng cả năm 5.801,3ha/5.800 ha, đạt 100,0% so với kế hoạch, tăng 73,9 ha so với năm 2020. Tổng sản lượng lương thực có hạt: 18.675,3 tấn/17.500 tấn, đạt 106,7% so với kế hoạch, tăng 835,7 tấn so với năm 2020; Cao su: 1.160,5 ha, giảm 10,8 ha với năm 2020. Trong đó: Diện tích đưa vào khai thác (cạo mủ) 680,9 ha; Năng suất bình quân đạt 18,2 tạ mủ đông/ha/năm; Sản lượng đạt 1.238,5 tấn mủ đông; tổng giá trị đạt 17.959,0 triệu đồng; Chuối hàng hóa: 337,9 ha, trong đó: Diện tích trồng tập trung 84,2 ha giống chuối nuôi cấy mô (theo tiêu chuẩn VietGAP 10ha). Năng suất bình quân, đạt 280 tạ/ha; sản lượng 6.776,0 tấn; giá trị đạt 30.492,0 triệu đồng. Về chăn nuôi: Tổng đàn gia súc 23.065 con/23.000 con, đạt 100,3 % so với kế hoạch năm, tăng 813 con so với năm 2020. Tổng đàn gia cầm 177.005 con/166.000 con, đạt 106,6% so với kế hoạch năm, giảm 5.058 con so với năm 2020. Lâm nghiệp: Diện tích trồng lại rừng kinh tế 2.007,0 ha. Diện tích khai thác 2.076,0 ha, sản lượng 145,3 nghìn tấn. Diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ FSC 296 ha. Triển khai đăng ký trồng rừng gỗ lớn năm 2021, diện tích 522,4 ha.v.v.

Những kết quả trên đã góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương A Lưới, nhất là cơ sở hạ tầng được tiếp tục đầu tư xây dựng mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng lên một bước; đặc biệt, huyện đã quyết liệt chỉ đạo thành công việc ngăn chặn, kiểm soát kịp thời dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên địa bàn, tạo động lực để địa phương thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng ổn định, phát triển đúng hướng; là nền tảng cho tổ chức triển khai thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn trong thời gian tới; ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, năm 2021 A Lưới cũng là một trong những địa phương của tỉnh tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Để có được những thành công trên, Huyện ủy, Ban Thường vụ đã chú trọng đưa ra thảo luận, thống nhất chủ trương và tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có những nhiệm vụ có tính chủ động, quyết đoán, trọng tâm, như: Quyết liệt chỉ đạo việc ngăn chặn, kiểm soát kịp thời, không để dịch bệnh COVID-19 bùng phát, lây lan diện rộng trong cộng đồng dân cư; theo đó, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã tổ chức quán triệt sớm và thực hiện nghiêm phương châm: “Chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu qủa dịch bệnh COVID-19”, trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch; chỉ đạo việc kiện toàn Ban Chỉ đạo từ huyện đến cơ sở; thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19, do đồng chí Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện làm Chỉ huy trưởng; củng cố hoạt động các cơ quan chuyên trách, các tổ giám sát cộng đồng, các chốt kiểm soát phòng dịch trên toàn địa bàn huyện, đặc biệt là khu vực dọc tuyến biên giới Việt – Lào; chủ động, tập trung cao độ trong triển khai phương án phòng, chống dịch trong từng điều kiện cụ thể; trong đó, khi có phát sinh ca bệnh trong cộng đồng đã khẩn trương truy vết, khoanh vùng, cách ly, ngăn chặn dập dịch; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức và Nhân dân thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo trong phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng; ngoài ra, huyện cũng tập trung triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động và các đối tượng, gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Về lĩnh vực kinh tế - xã hội, phát huy lợi thế của địa phương miền núi là nông nghiệp, bằng quyết tâm chính trị cao,  Huyện uỷ, Ban Thường vụ Huyện uỷ ngay từ đầu năm 2021, đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để chỉ đạo toàn huyện nỗ lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển; nhiều mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi có giá trị, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai của địa phương, được triển khai trên thực tế và thu được nhiều kết quả bước đầu; trong đó, có thể kể đến như mô hình nuôi lợn sinh học - hữu cơ kết hợp trồng chuối và mô hình trồng Ngô sinh khối ở xã Quảng Nhâm, xã A Ngo, các mô hình này liên doanh với Tập đoàn Quế Lâm; mô hình nuôi cá Tầm, Ếnh, cá Chình kết hợp du lịch cộng đồng ở điểm du lịch thác A Nô - xã Hồng Kim; mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện A Lưới ở xã Hồng Thượng, xã Hồng Thái, xã Quảng Nhâm; mô hình trồng Bưởi da xanh tại xã Sơn Thủy; mô hình trồng sâm Bố chính nông hộ tại xã Quảng Nhâm; mô hình nuôi bò bán chăn thả ở xã Sơn Thủy, xã Đông Sơn, xã A Roàng; mô hình trồng hoa, trồng rau sạch hữu cơ ở Thị trấn; mô hình HTX dệt Zèng A Co,  HTX sản xuất và phân phối thổ cẩm A Lưới, tại xã A Ngo, huyện A Lưới; HTX dịch vụ các mặt hàng nông sản hữu cơ A Lưới…

Trong Giáo dục và Đào tạo, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt ngành Giáo dục có phương án thích ứng an toàn trong dạy và học, giám sát chặt chẽ học sinh và giáo viên để giảm thiểu tối đa việc dạy học trực tuyến; trong trường hợp địa phương và trường học có ca lây nhiễm COVID-19 bên ngoài, huyện đã phải tính đến các phương án phù hợp với từng điều kiện cụ thể và đảm bảo an toàn, duy trì việc dạy và học trực tuyến hay trực tiếp của giáo viên, học sinh, nhất là các trường có học sinh nội bán trú, nội trú.

Về lĩnh vực Y tế, huyện yêu cầu Trung tâm Y tế huyện, trạm Y tế các xã, Thị trấn và chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ, tranh thủ tối đa các hỗ trợ về người và phương tiện, cơ sở hạ tầng do tỉnh tăng cường hoặc tại chỗ; chú ý giám sát, theo dõi chặt diễn biến của dịch bệnh để có phương án ngăn chặn, kiểm soát, truy vết và xử lý nhanh chóng, triệt để, an toàn.

Về chương trình xây dựng nông thôn mới, Huyện uỷ, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết và UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch thực hiện về phát triển bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững; tập trung khai thác, lồng ghép sử dụng các nguồn vốn để đầu tư thực hiện các tiêu chí nông thôn mới chưa đạt, xây dựng nông thôn mới nâng cao đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong công tác giảm nghèo, là huyện có tỷ lệ nghèo cao nhất tỉnh, theo rà soát thống kể của các cơ quan chuyên môn, tính đến 31/12/2021 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện gần 50%, hộ cận nghèo gần 15%; do đó, Huyện ủy xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện trong nhiệm kỳ 2020 – 2025; hiện nay, như đã nói phân trên, Ban Thường vụ Huyện uỷ đang chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan, tham mưu ban hành Nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 – 2025 và sẽ được Huyện ủy thông qua trong quý I/2022; qua đó, vừa để tập trung nguồn lực đẩy nhanh công tác giảm nghèo bền vững của huyện vừa thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 03/11/2021 của Tỉnh uỷ về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời chỉ đạo tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm gắn với vận động người dân đăng ký, thực hiện các chính sách hỗ trợ thoát nghèo bền vững.

Về công tác đầu tư phát triển hạ tầng và đầu tư cho phát triển sản xuất, trong năm 2021 được Huỵện uỷ, UBND huyện tiếp tục quan tâm chỉ đạo; ngoài các nguồn ngân sách từ Trung ương hỗ trợ một phần và các nguồn vốn của tỉnh, ngân sách huyện dành cho công tác này, trong năm qua cũng tăng cao so với các năm trước, trong đó kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025; tỷ lệ giải ngân toàn huyện tính đến 31/10/2021 đạt 40.435/63.667 triệu đồng, đạt 63,5% kế hoạch vốn thông báo và dự tính đến 31/12/2021, tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch; qua sự đầu tư phát triển này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, năm qua Huyện uỷ A Lưới đã tập trung chỉ đạo các cấp uỷ, hệ thống chính trị toàn huyện, chú trọng nâng cao chất lượng công tác này; trong đó, công tác cán bộ được Ban Thường vụ huyện họp bàn nhiều lần, qua đó để đảm bảo cho công tác xây dựng Đảng có hiệu quả lâu dài cho nhiều năm tiếp theo, BTV Huyện ủy chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch, tăng cường công tác cán bộ chủ chốt cho các xã, Thị trấn; đồng thời, có cơ cấu phù hợp, tạo điều kiện luân chuyển, bố trí cán bộ về cơ sở phục vụ cho xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện lâu dài; quá trình thực hiện bố trí, sắp xếp này được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nên tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ ở địa phương; trong công tác tổ chức đảng, đảng viên, kịp thời tổ chức trao tặng Huy hiệu Đảng các đợt 3/2, 19/5, 02/9, 07/11 cho 82 đồng chí; trong năm 2021 đã kết nạp 124 quần chúng ưu tú; công nhận chính thức 109 đảng viên dự bị.

Song song với công tác phát triển đảng viên, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2021 được quan tâm thực hiện có hiệu quả; Huyện ủy đã tiến hành kiểm tra, giám sát theo chương trình, kế hoạch năm đối với 09/08 tổ chức đảng, đạt tỷ lệ 113% và kiểm tra, giám sát 15/16 đảng viên, đạt tỷ lệ 94% kế hoạch đề ra; ngoài các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát theo kế hoạch, Huyện ủy tập trung chỉ đạo công tác hậu kiểm, kiểm tra lại những vấn đề mà các lần kiểm tra, giám sát trước đã kết luận chỉ ra sai sót, xem tổ chức đảng, đảng viên vi phạm đã khắc chưa, khắc phục đến đâu.v.v.

Xác định năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, nền tảng trong kế hoạch 5 năm (2021 - 2025), đồng thời cũng là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2025, tại Hội nghị lần thứ bảy Huyện uỷ A Lưới đã ban hành Nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ năm 2022; trong đó xác định chủ đề trọng tâm của năm là: ‘‘Phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, huy động tối đa mọi nguồn lực giảm nghèo bền vững, gắn với nâng cao các tiêu chí, chất lượng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện”.

Trước hết, để thực hiện thành công Nghị quyết Huyện uỷ, huyện A Lưới tập trung lãnh chỉ đạo hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc toàn huyện, phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận để cùng phấn đấu vì một A Lưới phát triển ổn định và bền vững; đồng thời, đề ra một số nhiệm vụ chính trị trọng tâm quan trọng; đặc biệt, yêu cầu các cấp uỷ, chính quyền, hệ thống chính trị và Nhân dân toàn huyện xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện của các cấp, các ngành và Nhân dân toàn huyện; làm cho công tác giảm nghèo của huyện ngày càng thiết thực, đi vào chiều sâu và thật sự hiệu quả, phấn đấu cuối nhiệm kỳ đạt tỷ lệ theo Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra; để làm được việc này, từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải xác định rõ trách nhiệm của mình, nội dung, công việc với ý thức cao nhất, ưu tiên cao nhất, cần tập trung thực hiện tốt nhất; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong toàn hệ thống chính trị của huyện; chủ động tham gia công tác giảm nghèo bền vững, từ đó thu hút sự đồng tình, tinh thần tự giác của mọi tầng lớp Nhân dân với phương châm “Chung tay vì người nghèo”.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường về dịch bệnh, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 trong tình hình mới, thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả, hạn chế thấp nhất những rủi ro về tính mạng, sức khỏe của người dân, thường xuyên tuyên truyền vận động Nhân dân và học sinh tiêm đủ Vắc xin cộng đồng.

Triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, nhất là các nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng bộ huyện đã được Huyện ủy cụ thể trong phương hướng, nhiệm vụ năm 2022; trọng tâm là phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi, hỗ trợ người dân sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm theo Chương trình OCOP; đồng thời nhân rộng các mô hình cây, con có giá trị, phù hợp với điều kiện địa phương đến với người dân trên địa bàn toàn huyện.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và quyết toán vốn đầu tư công năm 2021 theo đúng quy định; triển khai kịp thời việc đấu giá cho thuê có thời hạn các ki ốt, lô quầy tại Chợ A Lưới, nhằm phục vụ người dân mua sắm phục vụ đời sống; rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong năm để đôn đốc xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy, gián đoạn sản xuất; đồng thời, đánh giá tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh, xác định động lực mới cho tăng trưởng để tập trung xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022, theo hướng đổi mới tư duy phát triển, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực phù hợp và thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Tăng cường quốc phòng – an ninh, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm, dọc tuyến biên giới; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; mở đợt cao điểm vận động quần chúng tấn công, kiềm chế các loại tội phạm và các tệ nạn xã hội, làm trong sạch địa bàn, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và an ninh tuyến biên giới; xử lý nghiêm các thông tin không chính xác gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; siết chặt kỷ cương, kỷ luật; nâng cao cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và tích cực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất; có các giải pháp quyết liệt để quản lý giá cả; tổ chức thăm hỏi, động viên, chăm lo đời sống cho Nhân dân, người nghèo và các đối tượng chính sách; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2022, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2020 - 2025, góp phần cùng với cả tỉnh sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành phố trực thuộc Trung ương.

Với những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2022 nêu trên, đồng thời trên cơ sở thành tựu, kết quả đạt được trên các lĩnh vực của năm 2021, chúng ta tin rằng, với động lực mới, niềm tin mới sẽ sớm về và trở thành hiện thực trên vùng đất A Lưới Anh hùng trong năm mới Nhâm Dần – năm của Chúa Sơn Lâm./.

ĐTĐ
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm tin tức

 

   Đồng chí HUỲNH CÔNG QUẢNG                  TUV, BÍ THƯ HUYỆN ỦY

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.115.662
Truy cập hiện tại 73