Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế: 92 năm anh dũng kiên cường
Số lượt xem 3074Ngày cập nhật 04/05/2022

Ngày 03/02/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đất nước. Sự lãnh đạo duy nhất của Đảng là nhân tố cơ bản hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt 92 năm qua.

Sự ra đời Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên

Chỉ 21 ngày sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, vào ngày 24/2/1930 tại một cơ sở liên lạc ở kinh đô Huế, theo sự giới thiệu của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung Kỳ, Bí thư Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ, đại diện của hai Đảng bộ trong tỉnh Thừa Thiên là Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gặp nhau để thống nhất thành một tổ chức cộng sản.

Sau cuộc gặp lịch sử này, vào ngày 03/4/1930, tại nhà của một cơ sở liên lạc ở Bến Ngự, hội nghị bàn việc thống nhất hai tổ chức cộng sản được tiến hành. Hội nghị tuyên bố thống nhất hai tổ chức cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng tỉnh Thừa Thiên và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn tỉnh Thừa Thiên) thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên. Hội nghị đã thảo luận Cương lĩnh chính trị và Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua phương hướng hoạt động và hệ thống tổ chức của Đảng bộ tỉnh. Hội nghị đã cử ra Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 05 đồng chí. Đồng chí Lê Viết Lượng được cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.

Từ ngày 07 - 10/4/1930, Hội nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên họp lần thứ I để thảo luận, phân công nhiệm vụ, đề ra một số phương hướng công tác cụ thể như sau: tuyên truyền trong nhân dân về sự thành lập Đảng bộ, giác ngộ lý tưởng cách mạng trong công nhân, nông dân và trí thức; phát động quần chúng nhân dân tổ chức một đợt đấu tranh kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1/5.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, lần đầu tiên cờ Đảng Cộng sản xuất hiện công khai đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1/5/1930 tại đình làng An Cựu, trước Tòa Khâm sứ Trung Kỳ, dọc đường Paul Bert, đường Gia Long, tại Đài “Chiến sĩ Trận vong” (trước Trường Quốc học), đỉnh núi Ngự Bình, Nhà máy Đèn, trước đồn Mang Cá, cửa An Hòa, cửa Thượng Tứ, Phố Gia Hội… Tại một số địa phương khác trong tỉnh, các tổ chức quần chúng cảm tình Đảng đã tích cực hoạt động kỷ niệm ngày 1/5, bí mật rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm ở nhiều nơi, như: Chợ Trừng Hà, lãng Dưỡng Mong, Hà Thanh, Thanh Lam, Viễn Trình (huyện Phú Vang), phố Bao Vinh, Triều Sơn Trung, Thanh Lương (Hương Trà), làng Nam Phổ Cần, Mỹ Lợi, Truồi (Phú Lộc), làng Phước Tích, Ưu Điềm (Phong Điền)… Bắt đầu một hiện tượng mới trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Thừa Thiên Huế.

Như vậy, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên là một trong số ít đảng bộ được thành lập sớm nhất trong cả nước, chỉ thời gian ngắn sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh ở trung tâm chính trị phong kiến của cả nước, thủ phủ chế độ thực dân ở Trung Kỳ có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với Thừa Thiên Huế, mà còn có tầm quan trọng đối với cả nước. Từ đó đến nay, Đảng bộ đã lãnh đạo quân và nhân dân toàn tỉnh vượt qua nhiều chông gai, thử thách, giành được những thắng lợi rất đỗi tự hào.

92 năm anh dũng kiên cường

Trong giai đoạn 1930-1945Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo Nhân dân trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, hình thành tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng, ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh, lãnh đạo một số cuộc đấu tranh của nông dân, công nhân, trí thức. Qua phong trào đấu tranh, Đảng bộ dần dần trưởng thành, đội ngũ cán bộ đảng viên tích luỹ được kinh nghiệm vận động quần chúng đấu tranh. Chính vì vậy mà khi kẻ thù tập trung lực lượng khủng bố khốc liệt, phong trào cách mạng của tỉnh tuy bị tổn thất nặng nề nhưng Đảng vẫn tồn tại, tiếp tục hoạt động. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đề ra được những biện pháp đúng đắn lãnh đạo nhân dân đấu tranh khôi phục lại các phong trào, tiếp tục duy trì ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng, tuyên truyền giác ngộ lý tưởng cách mạng, hướng dẫn quần chúng vào phong trào đấu tranh chống thực dân, phong kiến; đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Các tổ chức Đảng ở Thừa Thiên Huế triệt để lợi dụng phương tiện báo chí đấu tranh công khai trên văn đàn, tố cáo chế độ thực dân, chống lại quan điểm phản động của chủ nghĩa đế quốc đầu độc tư tưởng thanh thiếu niên, đẩy họ xa rời phong trào cách mạng, chống lại những thủ đoạn lừa bịp của thực dân Pháp nhằm lung lạc quần chúng. Bằng sự lãnh đạo linh hoạt, sáng tạo, Đảng bộ tỉnh đã đoàn kết tập trung được lực lượng to lớn của quần chúng nhân dân, chuẩn bị điều kiện đưa phong trào cách mạng trong toàn tỉnh bước vào giai đoạn đấu tranh mới, mạnh mẽ hơn - giai đoạn vận động đấu tranh giải phóng dân tộc (1940-1945) và cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám 1945. Với thành công rực rỡ của Cách mạng tháng Tám ở Thừa Thiên Huế, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình trên một địa bàn là trung tâm của chế độ phong kiến, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám trong cả nước. Đây là kết quả của một quá trình lựa chọn đúng đắn và hành động mạnh mẽ của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh. Đó cũng chính là thắng lợi của sự chung sức, đồng lòng của nhân dân dưới sự chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng bộ tỉnh.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Thừa Thiên Huế là một địa bàn phức tạp, nơi đầu não của cơ quan thống trị cũ, nơi tập kết và đóng quân của các thế lực ngoại xâm (Nhật, Tưởng, Pháp), đồng thời là nơi tập trung của lực lượng phản động, tay sai chống phá cách mạng… Đứng trước thực tế đó, Đảng bộ tỉnh đã vận dụng linh hoạt những chủ trương của Trung ương vào việc giải quyết những vấn đề phức tạp của địa phương mình, biết phát huy sức mạnh của nhân dân. Đội ngũ đảng viên tuy ít, nhưng kiên cường, biết hy sinh, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của Đảng. Công cuộc chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài kịp thời và khẩn trương. Sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung kỳ, sự hướng dẫn của Ủy ban hành chính và các cơ quan Trung bộ đóng trên địa bàn thành phố Huế là một thuận lợi lớn đối với tỉnh, nhất là trước những tình thế phức tạp.

Trong giai đoạn này, Đảng bộ tỉnh vừa lãnh đạo chiến đấu chống thực dân Pháp về mọi mặt vừa tập trung phát triển kinh tế, đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục, đồng thời vừa chú trọng việc xây dựng lực lượng, bồi dưỡng sức dân, củng cố chính quyền nhân dân và mặt trận các cấp, nhất là củng cố, phát triển tổ chức Đảng, bảo đảm vững chắc sự lãnh đạo của Đảng bộ trong mọi tình huống. Đặc biệt, là sự phối hợp với các chiến trường chính, triển khai thực hiện mục tiêu đẩy mạnh tiến công tiêu hao sinh lực địch, kìm chân địch, không cho chúng rảnh tay đối phó với các chiến trường chính. Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực đấu tranh chính trị, kết hợp diệt ác phá tề, phá thế kìm kẹp, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng lực lượng kháng chiến toàn dân, toàn diện. Hòa chung khí thế của các chiến trường trong cả nước, tiếng súng kháng chiến của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đã góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.

Trong cuộc kháng chiến đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975), Thừa Thiên Huế với vị trí chiến lược quan trọng, ảnh hưởng lớn đến cục diện chiến tranh toàn quốc nên kẻ thù luôn tập trung và tăng cường các lực lượng hùng hậu, tinh nhuệ, mở những cuộc hành quân càn quét quy mô, xây dựng các căn cứ quân sự, thiết lập các phòng tuyến ngăn chặn, vành đai quân sự, đồn bốt vững chắc nhiều lớp, nhiều tầng tại đây. Bên cạnh đó, tiến hành dồn dân, lập ấp chiến lược, ấp tân sinh, khu trù mật, cài đặt bom mìn, ra sức khủng bố các phong trào đấu tranh yêu nước cách mạng của quần chúng nhân dân, biến Thừa Thiên Huế trở thành một trong những chiến trường nóng bỏng nhất cả nước.

Trước sự đàn áp của kẻ thù, với ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã đoàn kết một lòng, không quản ngại gian khổ, anh dũng ngoan cường, vượt qua muôn vàn chông gai “Đảng bám dân, dân bám đất, một tấc không đi, một ly không rời”, son sắt thủy chung giữ trọn niềm tin vào ngày mai chiến thắng. Quân và dân Thừa Thiên Huế đã từ trong máu lửa đứng lên, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, phát triển cơ sở cách mạng ở nông thôn, đồng bằng và đô thị; xây dựng căn cứ địa cách mạng ở miền núi và lực lượng hậu cần tại chỗ. Tiến hành đồng khởi ở miền núi và đồng bằng, đánh địch bằng ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược, bằng ba thứ quân theo phương châm lấy ít đánh nhiều, càng đánh càng mạnh. Thế trận chiến tranh nhân dân được phát huy mạnh mẽ, từng bước đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ. Đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968, làm chủ thành phố Huế 26 ngày đêm, đưa Thừa Thiên Huế trở thành một trong ba ngọn cờ đầu của miền Nam chống Mỹ, vinh dự được Chính phủ tặng danh hiệu “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”. Đây là một chiến thắng oanh liệt, có ý nghĩa to lớn “làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ”, tạo một bước ngoặt quan trọng trong chiến tranh, là đòn quyết định làm phá sản chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ ở miền Nam, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt việc ném bom miền Bắc và phải ngồi vào bàn đàm phán hội nghị 4 bên ở Pari. Chúng thừa nhận rằng không thể dùng lực lượng quân đội viễn chinh để thắng chiến tranh Việt Nam được. Vì thế chúng phải thay đổi chiến lược, chuyển sang “phi Mỹ hóa” và “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Trải qua 4 năm đấu tranh anh dũng chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1968-1972) của đế quốc Mỹ, được sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh được tôi luyện trong muôn vàn gian khổ và lớn mạnh hơn về mọi mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức…; thường xuyên bám trụ, giành và giữ thế đứng ở giáp ranh, sáng tạo trong mọi tình huống, cuối cùng ta đã đánh bại thủ đoạn “bình định” của kẻ địch, góp phần phá tan chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng là Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã biết phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, tấn công địch bằng cả đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, ở cả miền núi, nông thôn và thành thị, chú trọng xây dựng bộ đội chủ lực ngày càng mạnh, phối hợp với phong trào nhân dân nổi dậy phá tan từng mảng phòng ngự của địch, từng bước giành quyền làm chủ.

Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, quân và dân tỉnh ta cùng với các đơn vị chủ lực chiến đấu hết sức kiên cường, tiến công địch dồn dập, giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên Huế vào ngày 26/3/1975, tạo điều kiện cho chiến dịch Huế - Đà Nẵng hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của một trong ba chiến dịch quyết định đại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau khi bảo vệ được nền hoà bình, Thừa Thiên Huế quyết tâm khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, xây dựng chính quyền vững mạnh, từng bước phát triển. Từ năm 1975 đến năm 1989, ba tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Bình hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên. Đến ngày 14/4/1989, Bộ Chính trị có Quyết định số 87-QĐ/TW chia tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng bộ luôn phát huy vai trò, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân tập trung khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, xung kích trong việc xây dựng mô hình kinh tế trọng điểm của tỉnh, vừa cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, khai hoang phục hóa, xây dựng các công trình thủy lợi, tìm tòi bước đi thích hợp, vượt qua khó khăn thời kỳ bao cấp, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường củng cố hệ thống chính trị, quốc phòng an ninh trong hoàn cảnh đất nước vừa có hòa bình vừa có chiến tranh, làm trọn nhiệm vụ đối với cả nước và quốc tế.

Tạo đột phá, phát triển lên tầm cao mới

Phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống anh hùng cách mạng, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế luôn chung sức đồng lòng, anh dũng kiên cường vượt qua nhiều chông gai, thử thách, đạt được nhiều thành quả quan trọng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương. Thừa Thiên Huế là một cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có mức tăng trưởng khá cao, bình quân 6,5%/năm (giai đoạn 2015 - 2020); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dịch vụ và công nghiệp; trong đó, du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; kinh tế biển và đầm phá dần trở thành động lực phát triển.

Trên cơ sở nhìn nhận những tiềm năng, thế mạnh và đặc thù của tỉnh, ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW “về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết 54-NQ/TW ra đời đã tạo ra những tiền đề, định hướng hết sức quan trọng để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Đây là Nghị quyết đột phá cho Thừa Thiên Huế, với định hướng “xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng”. Nghị quyết 54-NQ/TW đã tạo động lực quan trọng và niềm tin vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh nỗ lực, quyết tâm cao nhất nhằm tạo sự, đột phá cho tỉnh nhưng vẫn giữ được cốt cách, phát huy và gìn giữ được bản sắc của riêng mình. Gần đây, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo cơ sở, nguồn lực quan trọng để Thừa Thiên Huế hiện thực hóa các mục tiêu của mình.

Điều cốt yếu lúc này là cần tiếp tục phát huy cao độ truyền thống anh dũng hào hùng 92 năm qua, huy động công sức, bản lĩnh, trí tuệ của toàn Đảng, toàn  dân để thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ mà Trung ương đã tin tưởng giao phó cho Thừa Thiên Huế.

Bích Ngọc

ĐTĐ (Sưu tầm)
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm tin tức

 

   Đồng chí HUỲNH CÔNG QUẢNG                  TUV, BÍ THƯ HUYỆN ỦY

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.115.165
Truy cập hiện tại 1.721