Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Đồng bào các dân tộc huyện A Lưới giữ vững niềm tin son sắt và thủy chung sau 50 năm mang họ Bác Hồ (1969 - 2019)
Số lượt xem 6470Ngày cập nhật 13/08/2019
Bác Hồ với Anh hùng Hồ Đức Vai và Can Lịch (ảnh tư liệu)

Nhân dịp Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện A Lưới chuẩn bị tổ chức Lễ Kỷ niệm 50 năm đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới mang họ Bác Hồ và 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019); Trang thông tin điện tử Huyện ủy xin giới thiệu bài viết “Đồng bào các dân tộc huyện A Lưới giữ vững niềm tin son sắt và thủy chung sau 50 năm mang họ Bác Hồ”, để cùng bạn đọc chia sẻ và hiểu sâu hơn về lịch sử Đảng bộ huyện A Lưới.

Như chúng ta đều biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, chiến sĩ cộng sản Quốc tế lỗi lạc; công lao của Người với dân tộc ta như non cao, biển rộng, Người đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng.

Anh hùng LLVT Hồ Đức Vai thứ tư từ trái sang (ảnh tư liệu)

Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới, Người được coi là hiện thân của cơm no, áo ấm, của độc lập tự do. Với tư chất, cốt cách và đạo đức của Người, cách đây 50 năm, đồng bào các dân tộc ở miền núi Thừa Thiên Huế đã tự nguyện mang họ Hồ của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm họ của chính mình. Thể hiện niềm tin mãnh liệt, lòng thành kính biết ơn vô hạn đối với vị lãnh tụ kính yêu. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, chính trị sâu sắc, một nét văn hóa độc đáo riêng có của đồng bào các dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế, cũng là một nét đặc thù trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Tình cảm ấy hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà là cả quá trình cảm hóa kỳ diệu giữa lãnh tụ với đồng bào các dân tộc thiểu số. Nó bắt nguồn từ sự quan tâm sâu sắc, tình cảm thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào các dân tộc gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Ngược dòng lịch sử 50 năm về trước, trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; có một sự kiện mang tính lịch sử được đồng bào các dân tộc thiếu số huyện A Lưới thực hiện; đó là vào năm 1958, tại làng A Đeeng xã Bắc Sơn đã tổ chức một Hội nghị quan trọng (gọi là Hội nghị Diên Hồng), đại biểu đến dự hầu hết là các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiếu số, cán bộ chủ chốt các xã, đại biểu của Đảng ủy miền Tây; Hội nghị đã biểu thị tinh thần cách mạng, nguyện một lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ, đoàn kết chống quân xâm lược và bè lũ tay sai; Hội nghị đã trồng một cây Đa (Iri) làm dấu hiệu với lời thề: Các dân tộc thiểu số Đoàn kết - Xóa bỏ phong tục lạc hậu, quyết tâm đánh giặc cứu nước. Hiện nay, cây Đa và Bia tưởng niệm được Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện A Lưới phục dựng tại làng A Đeeng (A Đên) xã Bắc Sơn, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Hội nghị Diên hồng năm 2018.

Các già làng làm lễ trồng cây đa (Iri) và bia tưởng niệm tại thôn A Đeeeng, xã Bắc Sơn năm 2018

Lãnh đạo huyện A Lưới trồng cây đa (Iri) tại thôn A Đeeng xã Bắc Sơn năm 2018

Giữa lúc cuộc chiến đấu của đồng bào miền Nam nói chung, quân và dân miền Tây Trị - Thiên nói riêng đang trải qua thời kỳ đầy thử thách ác liệt, thì ngày 02/9/1969 quân và dân chúng ta phải chịu một tổn thất vô cùng to lo lớn - Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta qua đời; để tỏ lòng tiếc thương vô hạn đối với Người, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, Khu ủy, chính quyền, quân và dân các dân tộc miền Tây Trị - Thiên đã tổ chức Lễ truy điệu để tang Bác tại dóc Ka Bồi già (giáp giữa xã Đông Sơn và xã A Ngo trước đây; nay thuộc địa phận xã Tà Lo, huyện Sa Muội, tỉnh Sa La Van, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), thuộc Binh trạm 47, Đoàn 559; biến đau thương thành hành động cách mạng, tại Lễ truy điệu đã diễn ra ba sự kiện quan trọng: (1)Tổ chức Lễ truy điệu Bác Hồ với phần đọc Điếu văn của Trung ương gắn với phát động Phong trào trồng 01 triệu góc sắn để thắng quân xâm lược; (2)Để tỏ lòng thương kính và sự trung thành với Đảng, Bác Hồ, với cách mạng, đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Trị - Thiên tự nguyện mang họ Bác Hồ (thực tế việc đổi sang họ Bác Hồ của đồng bào miền Tây Trị - Thiên đã có từ năm 1946, nhưng không phổ biến, chủ yếu tập trung ở các xã miền Tây Quảng Trị thuộc đồng bào dân tộc Pa Cô - Văn Kiều); (3)Phát động phong trào phát triển Đảng viên mới theo tinh thần sống, làm việc, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại. Sự kiện đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Trị - Thiên đồng loạt đổi sang họ Bác Hồ là sự kiện đặc biệt có một không hai, đánh dấu mốc son trong lịch sử dân tộc, một nét văn hóa, chính trị độc đáo, sâu sắc trong giai đoạn cách mạng hiện nay; đây là một sự đột phá vượt mọi khuôn khổ quy định của luật tục, đứng trên luật tục; sự kiện ấy là cao trào cảm xúc của những tình cảm thiêng liêng của đồng bào dân tộc miền Tây Trị - Thiên dành cho lãnh tụ của mình, như người cha già kính yêu của dân tộc.

Với đặc trưng văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Thừa Thiên Huế, ngày xưa đều mang họ truyền thống của dân tộc mình với những tên gọi, như: Người Tà ôi có họ Keerr (không bắt, giết, ăn thịt con chim Tu Tiat “Bìm Bịp”), họ Blup (không bắt, giết, ăn thịt con Kỳ Đà)…; người Pa cô có họ Kê (không bắt, giết, ăn thịt con sóc), họ Tâng Koal (không bắt, giết, ăn thịt chó)…; người Cơ tu có họ Rieh (không bắt, giết, ăn thịt con chó), họ A Reel (không bắt, giết, ăn thịt heo rừng điếc);…. phong tục đặt tên, đổi họ của đồng bào các dân tộc thiểu số được quan niệm là việc làm hệ trọng trong đời người, nên khi thay đổi họ phải làm phong tục cúng Giàng, phải được Giàng cho phép; luật tục bao đời đã ăn sâu vào máu thịt đồng bào dân tộc thiếu số miền Tây Trị - Thiên, nhưng khi Bác qua đời, bà con không sợ Giàng bắt tội, mà tất cả một lòng tự nguyện đổi họ theo Bác với lòng tôn kính sâu sắc; khi được mang họ Hồ đồng bào các dân tộc nơi đây đã làm lễ ăn thề: “Ai ăn ở hai lòng sẽ bị Giàng phạt, bắt tội, sẽ tàn lụi như cây gỗ mục trong rừng, như dòng suối cạn khô, như cỏ cây cháy rụi”.

Theo ông Hồ Văn Rãi, người Pa Cô, ở thôn A Đeeng, xã Bắc Sơn, huyện A Lưới; trước đây khi sinh ra ông được cha mẹ đặt tên là A riêr Rãi, thường gọi Cu Rải; năm 1969 ông là Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy Quận 1 thuộc Đảng bộ miền Tây Trị - Thiên; nguyên Chủ tịch Hội nông dân và Chủ tịch UBMTTQVN huyện A Lưới nhớ lại: “Đó là ký ức không thể nào quên; sau khi nghe tin Bác mất do Đài tiếng nói Việt Nam đưa tin, bà con ở đây rất buồn, hầu như không ăn, khóc rất nhiều; với niềm tiếc thương vô hạn, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện A Lưới đã tổ chức lễ truy điệu để tang Bác Hồ trong thời gian 7 ngày”.

Trong khi làm lễ truy điệu cho Bác, khu ủy Trị - Thiên phát động với toàn dân, ai chưa có họ thì sẽ mang họ Hồ, những ai đã có họ nhưng muốn đổi thì chính quyền cũng chấp thuận; các già làng, trưởng bản nhóm họp cùng thề thốt rồi làm thủ tục để cho những người dân được toại nguyện; ông Hồ Văn Rãi tâm sự: “Tôi theo cách mạng từ nhỏ; khi lớn lên và làm cách mạng, tôi luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ; nên khi được tin Bác mất, mình như mất một người cha, người anh vậy; Tôi là người Pa Cô trước đã có họ là Ariêr nhưng vẫn tự nguyện đổi sang họ Hồ; sau này, con cái, cháu chắt của tôi đều mang họ của Bác”. Hiện nay gia đình ông và các gia đình khác ở thôn A Đeeeng xã Bắc Sơn đều thờ Bác Hồ cùng với thờ ông bà tổ tiên.

Còn theo ông Hồ Thanh Xoa ở thôn Diên Mai, xã A Ngo; thì năm 1969 ông là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Quận 1, thuộc Đảng bộ miền Tây Trị - Thiên;  nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy - Trưởng ban Dân vận, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiệm kỳ VI, VII; tâm sự: “Tôi là người Tà Ôi, trước đây có họ Pikêr (con chim nhỏ trong rừng), nhưng vì quý trọng thương yêu Bác nên từ năm 1969 tôi đổi thành họ Hồ; đến nay, tôi, con tôi và cháu 3 đời đều mang họ Hồ”.

Phục dựng lại lễ ăn thề mang họ Bác Hồ

Qua tìm hiểu thực tế hiện nay, trên địa bàn huyện A Lưới nhiều gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số mang họ Hồ đã để ảnh cũng như tượng Bác lên bàn thờ để thờ cùng cha mẹ, ông bà với lòng tôn kính nhất; vào dịp ngày giỗ, sinh nhật của Bác hay ngày Quốc khánh, các gia đình còn thắp hương, cúng hoa quả như một lời tri ân, nhắc nhở con cháu về lịch sử hào hùng của dân tộc. Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, những tình cảm thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc huyện A Lưới nói riêng đã khiến cho tình yêu, sự kính nể của người dân đối với Bác ngày càng sâu đậm hơn.

Được biết, vào năm 2016, tại làng Văn Hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, huyện Sơn Tây, thành phố Hà Nội; được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, huyện A Lưới đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tái hiện nghi lễ mang họ Bác Hồ được tiến hành trong năm 1969; tại đây nhóm cộng đồng dân tộc thay mặt cho đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới nắm chặt tay nhau cùng đưa lên đầu và hô vang “Xin tự nguyện mang họ Bác Hồ”.

Sau 50 năm đã đi qua, kể từ khi làm lễ mang họ Bác Hồ, dưới sự lãnh đạo của khu ủy Trị - Thiên trong những năm tháng chiến tranh và Đảng bộ huyện A Lưới sau ngày thành lập huyện (ngày 03/3/1976) đến nay; những người con mang họ Bác Hồ luôn phát huy tinh thần cách mạng, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương A Lưới ngày càng phát triển, như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện A Lưới khóa XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 nêu rõ: Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, sự điều hành của chính quyền, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện khá ổn định, đạt trên 13%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kết cấu hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm năm (2010 - 2015) đạt gần 6.000 tỷ đồng, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 117 tỷ đồng, cao gấp tám lần so với chỉ tiêu đề ra. Đáng mừng là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ du lịch tăng từ 11 đến hơn 17%. Phát huy truyền thống của huyện Anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dâncác dân tộc huyện A Lưới, quyết tâm đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Kinh tế tăng trưởng ổn định kéo theo tốc độ đầu tư tăng nhanh, huyện đã tập trung vào các chương trình, dự án trọng điểm, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, chỉnh trang thị trấn và các vùng phụ cận, mở rộng đô thị theo tiêu chí đô thị loại 4 của tỉnh. Cùng đó, các tuyến đường 74, 71 và QL 49A đang được đầu tư, nâng cấp mở rộng, hai cửa khẩu Hồng Vân - Cô Tài và A Đớt - Tà Vàng đã khơi thông tạo điều kiện cho A Lưới nhiều tiềm năng phát triển, là tiền đề để hình thành đô thị phía tây của tỉnh trong tương lai. Đảng bộ huyện A Lưới nguyện đoàn kết, phát huy truyền thống của mảnh đất anh hùng, tiếp tục ra sức thi đua xây dựng quê hương A Lưới phát triển vững về kinh tế, giàu về bản sắc văn hóa, ổn định về chính trị, mạnh về quốc phòng an ninh.

A Lưới ngày nay

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng A So và 40 năm Ngày thành lập huyện A Lưới (03/3/1976 - 03/3/2016), Đảng, Nhà nước đã quyết định trao tặng phần thưởng cao quý Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc huyện A Lưới.

Phát huy tinh thần đoàn kết, anh hùng, bất khuất trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm; trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền các cấp huyện A Lưới tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, tập trung củng cố hệ thống chính trị cơ sở; xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền cơ sở vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội; tập trung phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữ vững quốc phòng - an ninh; tranh thủ và huy động tốt mọi nguồn lực đầu tư để phát huy tiềm năng, lợi thế, triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh công tác giảm nghèo nhanh và bền vững; chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu và các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.

Sau 50 năm gần một đời người đã đi qua, nhưng tấm lòng thủy chung, son sắt của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới mang họ Hồ, luôn ơn Đảng, ơn Bác Hồ như suối nguồn chảy mãi không bao giờ cạn; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhân dân các dân tộc huyện A Lưới luôn nguyện một lòng vượt qua khó khăn, thách thức phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng; phát huy truyền thống cách mạng của thế hệ cha ông đi trước, lớp con cháu sau này luôn hăng say lao động, chăn nuôi, sản xuất... vươn lên trong cuộc sống; xứng với danh hiệu “Người Pa Cô con cháu Bác Hồ”./.

Tập ảnh liên quan đến bài viết

Đỗ Thanh Định
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày