Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số A Lưới
Số lượt xem 2618Ngày cập nhật 26/06/2020
Nhà sàn của dân tộc Pa Ko

A Lưới là huyện miền núi, biên giới phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố 70 km, là huyện miền núi duy nhất của tỉnh tiếp giáp nước bạn Lào, với chiều dài đường biên giới 85 km, có hai cửa khẩu A Đớt - Tà Vàng và Hồng Vân - Cu Tai; A Lưới còn là vùng đất hội tụ độc đáo về bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em, sinh sống tại 18 xã, thị trấn, gồm: Pa Cô, Ta Ôi, Cơ Tu, Pa Hy và Kinh, với tổng dân số 51 nghìn dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 80% dân số. Mỗi tộc người có đặc trưng văn hóa khó lẫn, như đan lát đồ gia dụng, dệt Dèng trang phục dân tộc, ẩm thực truyền thống, nghệ thuật, cùng với truyền thống văn hóa ứng xử thân thiện, mến khách; các trò chơi dân gian, kiến trúc nhà sàn; các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, lễ hội… đã góp phần xây dựng bức tranh văn hóa đa dạng của vùng cao A Lưới. A Lưới còn là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ của dân tộc, A Lưới là căn cứ địa cách mạng của tỉnh và cả nước, có đường vận chuyển chiến lược Hồ Chí Minh đi qua; là địa bàn trọng yếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trải qua các giai đoạn lịch sử, cùng với đồng bào cả nước, đồng bào các dân tộc A Lưới luôn phát huy truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo, đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, lập nên những chiến công xuất sắc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chiến tranh đi qua, để lại trên địa bàn huyện nhiều di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng như: Đường Hồ Chí Minh, sân bay A So, đồi A Biah....        Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân A Lưới đã phát huy những tiềm năng, thế mạnh, tập trung mọi nguồn lực để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và đã đạt được những kết quả đáng tự hào.

Nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số A Lưới gắn với phát triển kinh tế - xã hội và du lịch; Ban Chấp hành Đảng bộ A Lưới (khóa X), nhiệm kỳ 2010 - 2015 ban hành Nghị quyết số 11-NQ/HU về “Xây dựng và phát triển văn hóa, du lịch huyện A Lưới giai đoạn 2012 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020”; HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 03/2014/NQ-HĐND 10 về “Bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 - 2020”. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các ngành chức năng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ báo cáo viên từ huyện đến cơ sở chủ động và tích cực tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn về những nét văn hóa của các dân tộc anh em ở A Lưới, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội…, đồng thời, loại bỏ những hủ tục lạc hậu gây lãng phí và ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của nhân dân.

Đảng bộ, chính quyền thường xuyên quan tâm, củng cố xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa, phát triển hệ thống thông tin đại chúng, đến nay hệ thống loa phát thanh đã được lắp đặt ở hầu hết các xã, thị trấn phục vụ công tác tuyên truyền, 01 trạm truyền hình trung tâm. Tỷ lệ hộ được xem truyền hình Việt Nam đạt 99%, nghe đài tiếng nói Việt Nam đạt 90%. Đồng thời, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa đồng bộ từ huyện đến cơ sở xã, thị trấn. Tại trung tâm huyện xây dựng Trung tâm văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới, là nơi diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao lớn của huyện; là nơi trưng bày hiện vật, kỷ vật chiến tranh; các hiện vật văn hóa, thể hiện đời sống vật chất tinh thần của đồng bào các dân tộc A Lưới; là điểm đến thú vị mỗi khi du khách tham quan, du lịch A Lưới. Tại các xã, thị trấn đã đầu tư xây dựng 140 nhà sinh hoạt cộng đồng phục vụ hoạt động văn hóa của Nhân dân trên địa bàn huyện; 03 Nhà văn hóa lớn tại 3 xã Hồng Vân, Hồng Hạ, và Hồng Bắc. Nhà sinh hoạt cộng đồng và Nhà văn hóa được coi là nơi hội họp, giao lưu văn hóa văn nghệ của các tầng lớp Nhân dân, hàng năm tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, mừng Đảng, mừng xuân, chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc, tham gia hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng.

Từ các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại các cơ sở đã tạo điều kiện cho Nhân dân giao lưu, học tập, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc trong huyện. Các nghề truyền thống như: đan lát đồ gia dụng, dệt Zèng, ẩm thực dân tộc…được Nhân dân gìn giữ, phát triển cho đến ngày nay và được sử dụng rộng rãi trong đời sống Nhân dân. Những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số còn được thông qua việc tổ chức “Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới”, “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế”. Thông qua ngày hội giới thiệu nét đặc trưng văn hóa các dân tộc, giao lưu văn hóa nghệ thuật truyền thống, trình diễn trang phục dân tộc, trích đoạn lễ hội và các trò chơi dân gian, giới thiệu ẩm thực truyền thống, kiến trúc nhà sàn của dân tộc… đã được các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ quần chúng trình diễn phục vụ Nhân dân các dân tộc trong huyện, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa các dân tộc trong huyện.

Bên cạnh đó, các giá trị di sản văn nghệ dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc như hát siềng, ba bói, cha chấp…cũng được sưu tầm gìn giữ và phát huy trong đời sống Nhân dân thông qua các hội thi, hội diễn. Các lễ hội truyền thống ở A Lưới được phục dựng, mang đậm bản sắc văn hóa dân gian, nghi lễ truyền thống, như: A Riêu ping, lễ hội đâm trâu, lễ A da…. Nghề truyền thống như dệt Zèng, đan lát, sửa chữa nhạc cụ… được khôi phục và phát triển ở các địa phương. Hiện nay huyện A Lưới đã thành lập 03 hợp tác xã dệt Zèng, trang phục Zèng truyền thống được đưa vào trang phục bắt buộc vào ngày thứ hai hàng tuần đối với cán bộ công chức, viên chức, giáo viên, học sinh trên địa bàn huyện. Dệt Zèng của người Tà Ôi, Lễ hội A Riêu Koonh của người Pa Cô đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là niềm tự hào của cán bộ và Nhân dân huyện A Lưới. Có 02 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực văn hóa phi vật thể đó là Nghệ nhân Quỳnh Hoàng (xã A Ngo) và Nghệ nhân Hồ Thị Tư (Phòng Văn hóa và Thông tin huyện).

Các hoạt động tham gia sự kiện xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của huyện ở trong và ngoài tỉnh trong cả nước và nước ngoài được tăng cường như: tham gia trình diễn nghề dệt Zèng, đan lát thủ công truyền thống, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, giới thiệu đến du khách hình ảnh văn hóa, con người và vùng đất A Lưới tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội; trưng bày và giới thiệu nghề dệt Zèng truyền thống của đồng bào các dân tộc A Lưới tại Lễ hội Huyền Trân năm 2017; tham gia khu gian hàng giới thiệu sản phẩm tại hội chợ Festival Làng nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế và nhân sự kiện Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko thăm Huế; trưng bày, giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ tu lần thứ II tổ chức tại Đà Nẵng; Tham gia Hội nghị kết nối nông sản, đặc sản địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017; Tham gia trưng bày giới thiệu quảng bá sản phẩm nông sản của huyện tại Hội chợ Thị xã Hương Trà; Tham gia “Ngày hội trình diễn Cây Nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc Việt Nam”, tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - năm 2017. Sản phẩm dệt Zèng A lưới được các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng quan tâm quảng bá zèng đến các nước như Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Nga, Thụy Sỹ và Ý.

Cùng với việc bảo tồn gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc, huyện A Lưới chú trọng việc bảo tồn gìn giữ các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn huyện. A Lưới có 33 di tích lịch sử cách mạng, trong đó 11 điểm di tích lịch sử cách mạng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh như: Di tích Dốc Mèo, di tích đường 71, 72, 73, 74; địa đạo Động So - A Túc, Đồi A Biah, xã Hồng Bắc; Động Tiên Công, xã Hồng Kim; Địa đạo A Đon, xã Hồng Quảng; Khu chứng tích chiến tranh hóa học của đế quốc Mỹ tại sân bay A So, xã Đông Sơn. Trong đó, Di tích Đường Hồ Chí Minh đi qua A Lưới (chiều dài 100 km) được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt; 11 di tích được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia và 03 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Tại điểm di tích Sân bay A So đã được quy hoạch để xây dựng Khu chứng tích chất độc hóa học Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam; hiện nay mới xây dựng được Nhà trưng bày kỷ vật chiến tranh tại 2 điểm A So và A Bia. Tại Trung tâm văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới cũng đang lưu giữ, trưng bày 330 hiện vật, kỷ vật chiến tranh. Hệ thống di tích lịch sử cách mạng ở A Lưới là những nơi ghi lại dấu ấn, những sự kiện lịch sử trong các cuộc kháng chiến dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngoài ra, huyện đã “Phân loại, đánh giá giá trị và xây dựng mô hình trưng bày thí điểm văn hóa vật thể các dân tộc ít người ở huyện A Lưới” với trên 100 loại hiện vật khác nhau thể hiện sinh động đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện.

Biên soạn Lịch sử Đảng bộ huyện A Lưới, đưa vào giảng dạy tại các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và lớp bồi dưỡng lý luận cho đảng viên mới, tiến tới giảng dạy tại các trường THPT trên địa bàn huyện, góp phần giáo dục truyền thống, niềm tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ A Lưới.

Những thành tựu đạt được của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện A Lưới những năm qua trong việc đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực tham gia, đồng tình hưởng ứng.. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn huyện được tôn tạo một phần; nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng. Công tác quản lý Nhà nước về văn hóa được tăng cường, thể chế văn hóa từng bước được hoàn thiện; công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa.

Công tác bảo tồn gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc A Lưới gắn với các hoạt động phát triển du lịch. Hiện nay trên địa bàn huyện có Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới, 03 làng du lịch cộng đồng (Làng du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr, xã Hồng Kim, Làng du lịch sinh thái cộng đồng A Ka và Homestay Hương Danh, xã A Roàng, Làng du lịch sinh thái cộng đồng A Hưa, xã Quảng Nhâm, Điểm du lịch sinh thái suối Pâr le, Farmstay và Homestay Hồng Hạ); các điểm di tích lịch sử trên địa bàn, như Đồi A Bia, Cụm Động So - A Túc; sân bay A So…

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai các chương trình liên kết, tích cực giới thiệu, quảng bá danh lam thắng cảnh, truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa và con người A Lưới với bạn bè cả nước; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch nhằm thu hút đầu tư phát triển du lịch huyện A Lưới. Đó là cách thiết thực để công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy những di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển bền vững kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

 

NHV
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày