Tìm kiếm tin tức

 

   Đồng chí HUỲNH CÔNG QUẢNG                  TUV, BÍ THƯ HUYỆN ỦY

Thế giới sắp chạm ngưỡng tám triệu người mắc Covid-19
Số lượt xem 3377Ngày cập nhật 15/06/2020

Theo NDĐT - Theo trang thống kê Worldometers.info, tính đến 7 giờ sáng 15-6 (giờ Việt Nam), trong 24 giờ qua, thế giới đã ghi nhận thêm 121.847 ca mắc và 3.248 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số người mắc và tử vong lần lượt là 7.982.371 và 435.166. Đáng chú ý, Mỹ và Brazil, hai vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận số ca mắc mới và tử vong trong ngày giảm đáng kể.

Đối thoại Thanh niên ASEAN-Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác giai đoạn dịch Covid-19 (Minh hoa). TTXVN

Mỹ ghi nhận thêm 19.379 ca mắc và 326 ca tử vong tính từ 7 giờ sáng 14-6 đến 7 giờ sáng 15-6, nâng tổng số lên 2.161.603 ca mắc và 117.853 ca tử vong. Mức tăng một ngày trước đó là 25.302 ca mắc và 702 ca tử vong. Đứng thứ hai về số ca mắc mới là Brazil với thêm 17.086 ca mắc và 598 ca tử vong, nâng tổng số lên 867.882 ca mắc và 43.389 ca tử vong. Mức tăng một ngày trước đó là 20.894 ca mắc và 890 ca tử vong.

Tuy nhiên, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và nhập viện trong ngày 14-6 tăng kỷ lục ở nhiều tiểu bang của Mỹ, trong đó có Florida và Texas, trong bối cảnh hầu hết các bang trên toàn nước Mỹ đang thúc đẩy việc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế. Bang Alabama, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến tổ chức một cuộc vận động tranh cử trong nhà vào ngày 20-6 tới, đã có số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong bốn ngày liên tiếp tính đến ngày 14-6. Trong khi đó, các bang khác như Alaska, Arizona, Arkansas, California, Florida, Bắc Carolina, Oklahoma và Nam Carolina đều ghi nhận có số ca nhiễm mới kỷ lục trong ba ngày vừa qua. Tại Louisiana, một trong những điểm nóng dịch trước đó, số trường hợp nhiễm mới lại tăng với hơn 1.200 người, nhiều nhất kể từ ngày 21-5.

Tân Hoa xã đưa tin, giới chức y tế Trung Quốc ngày 15-6 cho biết, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 49 ca Covid-19 mới trong ngày 14-6, trong đó có 39 trường hợp lây nhiễm trong nước và 10 ca nhập khẩu. Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, trong số các ca lây nhiễm trong nước, có 36 ca được phát hiện tại Bắc Kinh và ba ca còn lại tại tỉnh Hà Bắc. Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan ngày 14-6 kêu gọi các cơ quan hữu quan đưa ra các biện pháp kiên quyết nhằm ngăn chặn sự lây lan các ổ dịch Covid-19 tại thành phố này. Phát biểu của bà Tôn Xuân Lan được đưa ra tại cuộc họp về cơ chế kiểm soát và phối hợp ngăn ngừa Covid-19 của Quốc vụ viện Trung Quốc. Nhấn mạnh các ổ dịch mới tại Bắc Kinh đều liên quan tới chợ đầu mối Tân Phát Địa, địa điểm có đông người lui tới, Phó Thủ tướng Trung Quốc cảnh báo nguy cơ cao virus SARS-CoV-2 lây lan, đồng thời yêu cầu đưa ra các biện pháp ứng phó kiên quyết. Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan kêu gọi "các cuộc điều tra dịch tễ chặt chẽ nhất" tại chợ này và khu vực xung quanh, cũng như "truy dấu triệt để" nhằm xác định và kiểm soát nguồn lây. Bà nhấn mạnh phải tăng cường năng lực xét nghiệm acid nucleic tại Bắc Kinh để có thể kiểm soát tất cả các khu vực chủ chốt cũng như các nhóm dân cư then chốt, mở rộng phạm vi xét nghiệm nhằm nhanh chóng phát hiện các ca mắc bệnh cũng như những trường hợp không có triệu chứng. Bà Tôn Xuân Lan kêu gọi cộng đồng thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, sàng lọc các ca nhiễm, ca nghi nhiễm, những bệnh nhân bị sốt có thể mang bệnh, cũng như các nguồn tiếp xúc gần, đưa họ đi cách ly tại các cơ sở được chỉ định.

Cùng ngày, ông Costantinos Bt. Costantinos, thành viên của Ủy ban kinh tế Liên hợp quốc tại châu Phi (UNECA) đã bày tỏ quan ngại về sự gia tăng nhanh chóng các ca mắc Covid-19 mới tại châu Phi, đặc biệt khi tình trạng này tập trung ở một số quốc gia. Theo ông Constatinos, tuy số ca mắc Covid-19 ở châu Phi chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số người bệnh toàn cầu, song tình hình kinh tế và xã hội ở châu Phi lại chịu ảnh hưởng tương đối nặng nề, do giá dầu và nguyên liệu thô giảm mạnh, sự mất giá của đồng nội tệ,... đang làm tăng áp lực nợ nước ngoài.Khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tăng mạnh tại châu Phi, nhiều chuyên gia đã kêu gọi sự đoàn kết quốc tế và tăng cường hỗ trợ cho cuộc chiến chống Covid-19 tại đây.

Trong khi đó, châu Âu ghi nhận tín hiệu tích cực khi đà lây lan có xu hướng giảm. Theo báo cáo mới nhất của Liên hiệp châu Âu (EU), làn sóng nhiễm đại dịch Covid-19 đã vượt qua đỉnh điểm ở tất cả các nước trong khối, trừ Ba Lan và Thụy Điển. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết, nhờ các biện pháp hạn chế, các nước EU đã giảm được 80% số ca nhiễm so với thời điểm đỉnh của đại dịch. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết tỷ lệ mắc Covid-19 ở Ba Lan và Thụy Điển hiện vẫn ở mức cao nhất. Tại các nước EU, tỷ lệ lây nhiễm mới trong thời gian 14 ngày hiện dưới 20 trường hợp trên 100 nghìn dân, trong khi Thụy Điển là quốc gia duy nhất có tỷ lệ lên tới trên 100 trường hợp trên 100 nghìn dân.

Dù vẫn thuộc tốp 10 nước có nhiều ca bệnh Covid-19 nhất thế giới, nhưng kể từ 0 giờ ngày 15-6, Đức chính thức chấm dứt việc kiểm soát biên giới vốn được nước này áp dụng từ giữa tháng 3-2020 để kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Trên thực tế, biên giới của Đức với một số nước đã từng bước được nới lỏng từ vài ngày trước. Bộ trưởng Nội vụ liên bang Đức Horst Seehofer tuyên bố việc kiểm soát biên giới chấm dứt sau ngày 14-6 đồng nghĩa với việc người dân từ các quốc gia láng giềng của Đức có thể vào nước này mà không còn bị kiểm soát hoặc gặp khó khăn đặc biệt. Tuy nhiên, lệnh kiểm soát được áp dụng từ lâu nhằm ngăn chặn nhập cư trái phép ở khu vực biên giới với Áo vẫn tiếp tục có hiệu lực. Ngoài ra, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn ngày 14-6 cho biết, ứng dụng trên điện thoại di động để truy vết tiếp xúc của người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Đức sẽ được đưa vào vận hành bắt đầu từ tuần này. Bộ trưởng Sphan cũng khuyến cáo người dân Đức cần cẩn trọng khi đi du lịch và chỉ đi khi thực sự cần thiết trong bối cảnh việc kiểm soát biên giới châu Âu được dỡ bỏ từ ngày 15-6 và Đức cũng dỡ bỏ cảnh báo đi lại tới các nước Liên hiệp châu Âu (EU) và Anh, thay vào đó có những khuyến cáo đi lại cụ thể đối với từng nước và khu vực. Trong khi đó, Đức vẫn giữ cảnh báo đi lại tới trên 160 nước ngoài EU cho tới cuối tháng 8 tới.

Thống kê 10 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 2.161.603 ca mắc, 117.853 ca tử vong
2. Brazil: 867.882 ca mắc, 43.389 ca tử vong
3. Nga: 528.964 ca mắc, 6.948 ca tử vong
4. Ấn Độ: 333.008 ca mắc, 9.520 ca tử vong
5. Anh: 295.889 ca mắc, 41.698 ca tử vong
6. Tây Ban Nha: 291.008 ca mắc, 27.136 ca tử vong
7. Italy: 236.989 ca mắc, 34.345 ca tử vong
8. Peru: 229.736 ca mắc, 6.688 ca tử vong
9. Đức: 187.671 ca mắc, 8.870 ca tử vong
10: Iran: 187.427 ca mắc, 8.837 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Singapore: 40.604 ca mắc, 26 ca tử vong
2. Indonesia: 38.277 ca mắc, 2.134 ca tử vong
3. Philippines: 25.930 ca mắc, 1.088 ca tử vong
4. Malaysia: 8.453 ca mắc, 121 ca tử vong
5. Thái Lan: 3.135 ca mắc, 58 ca tử vong
6. Việt Nam: 334 ca mắc
7. Myanmar: 261 ca mắc, 06 ca tử vong
8. Brunei: 141 ca mắc, 02 ca tử vong
9. Campuchia: 128 ca mắc
10. Lào: 19 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Bắc Mỹ: 2.479.449 ca mắc, 144.966 ca tử vong
2. Châu Âu: 2.205.848 ca mắc, 182.868 ca tử vong
3. Châu Á: 1.617.184 ca mắc, 40.248 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 1.425.696 ca mắc, 60.457 ca tử vong
5. Châu Phi: 244.542 ca mắc, 6.488 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 8.931 ca mắc, 124 ca tử vong

*Cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng dịch Covid-19 thứ hai.

ĐTĐ (Sưu tầm)
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.888.350
Truy cập hiện tại 4.078