Tìm kiếm tin tức

 

   Đồng chí HUỲNH CÔNG QUẢNG                  TUV, BÍ THƯ HUYỆN ỦY

Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc huyện A Lưới 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Số lượt xem 4277Ngày cập nhật 20/08/2019

50 năm qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đồng hành với Đảng và nhân dân ta nói chung và nhân dân các dân tộc thiếu số huyện A Lưới nói riêng, trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Trong tiến trình lịch sử ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và hiện nay là tiến hành sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước toàn diện và hội nhập quốc tế.

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta một văn kiện lịch sử vô giá; kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách của một vĩ nhân, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới - đó là bản Di chúc lịch sử (1969). Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua Di chúc của Người mang giá trị cách mạng, khoa học, nhăn văn, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Mở đầu Di chúc, Người viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sum họp một nhà. Đó là điều chắc chắn.”

Trong những năm chiến tranh ác liệt, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Trị - Thiên, nhân dân các đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thừa Thiên, với quyết tâm tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng, mặc dù địch đánh phá ác liệt vào rừng núi và tuyến đường chiến lược 559, nhưng đồng bào các dân tộc miền núi đã thể hiện tinh thần chịu đựng gian khổ hy sinh, nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, bộ đội; đồng bào đã hăng hái tăng gia sản xuất đóng góp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm để nuôi bộ đội; động viên con em tham gia nhập ngũ bộ đội và thanh niên xung phong; huy động hàng vạn dân công vận chuyển vũ khí, lương thực, quan trang, quân dụng phục vụ các chiến dịch và vận chuyển vào chiến trường miền Nam; tham gia mở các tuyến đường 71, 72, 73, 74 từ miền núi xuống đồng bằng phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường Trị - Thiên - Huế.

Từ trong máu lửa của cuộc kháng chiến vĩ đại ấy, những tên đất: A So, A Lưới, A Bia, Cooh cava, Dốc Mèo,…; tên người như: Anh hùng Hồ Vai, Kăn Lịch, Kăn Đờm, A Nun, Hồ Dục, Cu Tríp, Căn Tréc,… đã đi vào lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh. Ghi nhận những thành tích, công lao to lớn của đồng bào các dân tộc huyện A Lưới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Đảng bộ và nhân dân huyện A Lưới và 18 tập thể, 8 cá nhân; phong tặng 26 bà mẹ Việt Nam Anh hùng và nhiều danh hiệu, huân, huy chương cao quý khác; toàn huyện hiện có 800 liệt sỹ, 500 thương binh đã anh dũng hy sinh và đóng góp một phần thân thể của mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước thắng lợi vào tháng 4 năm 1975; thì gần một năm sau vào tháng 3 năm 1976, huyện A Lưới chính thức được thành lập, trên cơ sở hợp nhất ba quận: Quận I, Quận III và 2 xã của Quận IV với đa số là đồng bào dân tộc Tà Ôi, Ka Tu, Pa Cô, Pa Hy; ngoài các xã đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới còn đón nhận đồng bào Kinh từ huyện Phong Điền, Quảng Điền (Hương Điền) và huyện Phú Vang, Hương Thủy (Hương Phú) lên lập nghiệp xây dựng quê hương mới, gồm xã: Sơn Thủy, Phú Vinh, Hương phong với biết bao nhiêu khó khăn, thách thức sau ngày giải phóng. Ngay từ những ngày đầu thành lập huyện Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc huyện A Lưới càng tỏ rõ quyết tâm thực hiện những điều Di chúc Bác dặn, phải làm sau khi chiến tranh kết thúc: “Đảng ta cần phải làm từ xây dựng và chỉnh đốn Đảng; giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng; thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; thực hiện dân chủ rộng rãi; đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng. Đảng và Chính phủ phải chú trọng phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa, thực hiện chính sách xã hội đối với các tầng lớp nhân dân… nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; giáo dục đào tạo thế hệ cách mạng kế cận như thanh niên, phụ nữ trở thành cán bộ “vừa hồng”, “vừa chuyên”; phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ; xây dựng văn hóa - xã hội”…. Một lần nữa, tự hào là những người con mang họ Hồ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện A Lưới phát huy truyền thống tiến công cách mạng, lãnh đạo nhân dân các dân tộc toàn huyện vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đoàn kết quyết tâm tiếp tục thực hiện những lời căn dặn của Bác trong bản Di chúc thiêng liêng của Người.

Qua 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặc biệt là 43 năm xây dựng và phát triển kể từ khi thành lập huyện; Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện A Lưới ngày càng tin tưởng và quyết tâm hành động để thực hiện lý tưởng cách mạng của Đảng và Bác Hồ; từ 6 đảng viên lúc mới thành lập chi bộ đầu tiên (1949), đến nay, Đảng bộ huyện A Lưới đã có 58 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, 244 chi bộ, với hơn 4.832 đảng viên đã trưởng thành, đủ sức đảm đương nhiệm vụ, trong đó đảng viên dân tộc thiểu số trên 3.700 đồng chí, chiếm khoảng 79%, có trên 700 hội viên Hội Nông dân Việt Nam; trên 1.000 hội viên Hội Phụ nữ Việt Nam; gần 5.000 Đoàn viên ĐTNCS Hồ Chí Minh; gần 3.000 hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam, hơn 1.700 cán bộ công nhân viên chức; cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành đạt chuẩn hóa chiếm tỷ lệ cao, có khả năng đảm nhận nhiệm vụ chính trị của địa phương cả trước mắt và lâu dài. Vấn đề ăn, mặc, đi lại, học hành, chữa bệnh, nghe, nhìn, vui chơi giải trí được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chăm lo. Đến nay đã xóa được trên ba ngàn nhà tạm bợ cho đồng bào nghèo đặc biệt khó khăn, đã giải quyết tốt các loại chính sách xã hội, người có công cách mạng. 100% xã, thị trấn có điện - đường - trường - trạm và trụ sở làm việc tầng hóa, ngói hóa. Hầu hết các trục đường giao thông ngang dọc đều được bê tông hóa, có đường Hồ Chí Minh đi qua A Lưới với chiều dài 106 km khai thông hành lang giao thông xuyên suốt Bắc - Nam; có cửa khẩu S3 Hồng Vân - Cô Tài; S10 A Đớt - Tà Vàng, mở ra triển vọng mới cho việc giao thương phát triển kinh tế cho huyện trong tương lai; đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/người, toàn huyện đã có 03 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; toàn huyện có có 25/48 trường đạt chuẩn quốc gia; trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa, đủ sức đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng; hiện nay huyện đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đời sống văn hóa của nhân dân không ngừng được nâng cao, công tác y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân được đầu tư quan tâm: có trung tâm y tế huyện cùng 21/21 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Giờ đây sống trong hòa bình, ấm no, đồng bào các dân tộc A Lưới càng bồi hồi, xúc động dạt dào khi nghĩ về Người. Và trong sâu thẳm ký ức, mỗi người dân A Lưới luôn thầm hứa với Bác, với Đảng sẽ mãi ghi sâu lời Bác dạy “được mang họ Bác Hồ thì phải sống, lao động, học tập, chiến đấu, sản xuất cho thật tốt để Bác vui lòng”. Vì vậy, để thực hiện Di chúc của Người hiệu quả, nhất là trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong thời gian tới, cần tiếp tục gắn thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với các Nghị quyết Trung ương về xây dựng Đảng. Đồng thời, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tăng cường sự đồng thuận của nhân dân và khối đại đoàn kết dân tộc để nhân lên những thành công, khắc phục yếu kém và khuyết điểm, gạt bỏ những lực cản, tạo động lực mới để phát triển huyện nhà, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mỗi một chúng ta cần phải biểu thị quyết tâm cao làm theo lời Bác dạy, trân trọng tinh hoa của lịch sử, làm tròn trách nhiệm của hiện tại, nghĩa vụ với tương lai, kế thừa liên tục trong lịch sử, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân các dân tộc trên quê hương. Đó là cách tốt nhất để tỏ lòng tôn kính Chủ tịch Hồ Chi Minh và khẳng định giá trị, sức sống trường tồn của bản Di chúc lịch sử.

Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Người, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các đồng bào dân tộc huyện A Lưới đã, đang và sẽ luôn nỗ lực phấn đấu thi đua tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống, cùng chung sức, chung lòng xây dựng quê hương A Lưới giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa - môi trường, vững mạnh về quốc phòng - an ninh, như mong muốn của Bác Hồ.

Tập ảnh liên quan đến bài viết

 

Đỗ Thanh Định
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.940.755
Truy cập hiện tại 1.197