Tìm kiếm tin tức

 

   Đồng chí HUỲNH CÔNG QUẢNG                  TUV, BÍ THƯ HUYỆN ỦY

Diễn Văn Lễ kỷ niệm 50 năm các dân tộc huyện A Lưới mang họ Bác Hồ
Số lượt xem 4260Ngày cập nhật 01/09/2019
Bí thư Huyện ủy đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm

Sáng 30/8/2019, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện A Lưới tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm các dân tộc huyện A Lưới mang họ Bác Hồ và 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí minh. Nhân dịp này, Ban biên tập, Tổ giúp việc Trang thông tin điện tử Huyện ủy A Lưới giới thiệu toàn văn Diễn văn Lễ kỷ niệm, do đồng chí Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Sửu đọc tại Lễ kỷ niệm; để cùng bạn đọc chia sẻ và hiểu sâu hơn về truyền thống anh hùng, bất khuất của các thể hệ cha anh thuộc đồng bào các dân tộc huyện A Lưới nói chung và các dân tộc mang họ Bác Hồ nói riêng. Trích Diễn văn như sau:

Kính thưa toàn thể đại biểu dự lễ kỷ niệm!

Trong không khí cả nước đang tưng bừng phấn khởi và tự hào kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cùng với các hoạt động sôi nổi và rộng khắp trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế; nhằm thiết thực góp phần phát huy thành quả Cách mạng Tháng Tám, góp phần đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ và nhân dân A Lưới. Hôm nay, huyện A Lưới long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới mang họ Bác Hồ, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (9/1969 - 9/2019). Thay mặt lãnh đạo huyện A Lưới, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo các cơ quan ban ngành của tỉnh, Anh hùng LLVT, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt qua các thời kỳ, các nhân chứng lịch sử, phóng viên các cơ quan báo chí và truyền hình, cùng toàn thể đại biểu khách mời đã về dự Lễ kỷ niệm đầy ý nghĩa này. Xin gửi tới các đồng chí những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Kính thưa các đồng chí!

Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc. Công lao của Người với dân tộc ta như non cao, biển rộng, Người đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng. Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu: tư tưởng Hồ Chí Minh; đạo đức Hồ Chí Minh; phong cách Hồ Chí Minh. Ở Hồ Chí Minh, tư tưởng, đạo đức, phong cách thống nhất biện chứng, làm thành diện mạo nhân cách văn hóa, nhất là văn hóa lãnh đạo.

Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới, Người được coi là hiện thân của cơm no, áo ấm, của độc lập tự do. Cách đây 50 năm, đồng bào các dân tộc ở miền núi Thừa Thiên Huế đã tự nguyện mang họ Hồ của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm họ của chính mình thể hiện niềm tin mãnh liệt, lòng thành kính biết ơn vô hạn đối với vị lãnh tụ kính yêu. Được vậy là cả quá trình cảm hóa kỳ diệu giữa lãnh tụ với đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, chính trị sâu sắc, một nét văn hóa độc đáo riêng có của đồng bào các dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế, cũng là một nét đặc thù trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Ngược lại dòng lịch sử, A Lưới cũng như bao dân tộc khác trước Cách mạng Tháng Tám, phải sống dưới chế độ hà khắc của thực dân, phong kiến, đồng bào đã phải gánh chịu cảnh áp bức, đói rét, tối tăm, dịch bệnh tràn lan, phải chống chọi vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt và các loại thú rừng hung dữ để mưu sinh, đồng thời phải đương đầu với bộ máy cai trị của thực dân, thực hiện chính sách chia để trị dưới thời pháp thuộc cùng với chính sách ngu dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc giữa đồng bào Kinh với đồng bào Thượng. Chúng bắt đi lính, làm cu ly mở đường, gùi lương thực, thực phẩm cho thực dân Pháp.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề ra đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc và chủ trương chính sách dân tộc với những nội dung cơ bản là: đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển. Cũng trong thời điểm này, Thừa Thiên Huế mặc dù phải đương đầu với những khó khăn, thách thức, nhưng thực hiện chủ trương của Đảng, Bác Hồ, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã đặt chương trình hình thành các xã miền núi. Trên cơ sở đó, các huyện Phú Lộc, Phong Điền, Hương Trà đã hình thành Ban Chỉ đạo miền núi, từ những năm 1946 - 1948, các ban Chỉ đạo đã liên tiếp cử cán bộ từ đồng bằng tăng cường cho miền núi. Những cán bộ Cụ Hồ đã đem ánh sáng của Đảng, Bác Hồ vận động đồng bào đoàn kết dân tộc, theo tư tưởng của Đảng và Bác Hồ: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê đê, Xê Đăng hay Ba Na đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt, chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ có nhau, no đói giúp nhau…”. Nhiều cán bộ đã lăn lộn, bám sát cơ sở, hòa mình với đồng bào, cà răng, căng tai, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với đồng bào, vận động giác ngộ để đồng bào xây dựng cuộc sống mới, học tập văn hóa, ăn ở vệ sinh, định canh, định cư, xóa bỏ hủ tục lạc hậu..., đó là hạt nhân cơ bản của phong trào, thể hiện được phẩm chất bộ đội Cụ Hồ được dân yêu, dân phục. Chính từ sự cảm hóa đó, đồng bào đã tin tưởng vào Đảng, vào Bác Hồ, tin tưởng “cán bộ người Kinh là người của mình”, dần dần khơi dậy truyền thống đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết Kinh - Thượng, lòng trung thành của đồng bào đối với Đảng và Bác Hồ ngày càng vững chắc hơn. Đồng bào biết đến Bác Hồ trước hết qua sự giác ngộ, truyền đạt của những cán bộ cách mạng người Kinh lên miền núi theo tiếng gọi của Đảng, truyền đạt lời Bác dặn phải đoàn kết đánh giặc Mỹ, người Kinh với người Thượng là một, phải coi nhau như anh em ruột thịt, như con một nhà, phải chống giặc đói, giặc dốt, giữ gìn vệ sinh, ăn chín uống sôi.

Sau năm 1954, đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai thực hiện chia cắt ở khắp miền Nam với chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, miền núi Thừa Thiên gặp muôn vàn khó khăn. Để củng cố niềm tin, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng có chủ trương mời các già làng trưởng bản, thanh niên tiêu biểu miền núi Thừa Thiên ra Hà Nội gặp Bác. Từ năm 1955 - 1959 đã có rất nhiều đoàn già làng trưởng bản được tổ chức ra gặp Bác, được Người ân cần chỉ bảo về con đường giải phóng dân tộc, Bác ân cần dặn từng đại biểu, từng việc làm cụ thể để khi trở về nói cho đồng bào nghe, biết đoàn kết, biết bí mật, biết cách đấu tranh với Mỹ Diệm, biết sản xuất giỏi, biết phòng chữa bệnh, biết học chữ, đem lại tự do hạnh phúc cho đồng bào. Tận mắt chứng kiến những thay đổi ở miền Bắc, các già làng, thanh niên tiêu biểu càng tin tưởng tuyệt đối vào Đảng và Bác Hồ.

Đặc biệt những năm 1961 - 1965, đồng bào các dân tộc Thừa Thiên Huế đã trải qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh; đế quốc Mỹ đã trút xuống nơi đây hàng ngàn tấn bom đạn, hàng trăm tấn chất độc hóa học hủy diệt sự sống hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Đồng bào đã trải qua những ngày tháng đói cơm khát muối. Được tin ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ngay chủ trương gửi muối, rựa, cuốc, rìu, vải, ni lông, lương thực vào cho đồng bào. Nhận được những mét vải, cái cuốc, hạt muối chứa đựng bao ân tình của Bác, đồng bào miền núi Thừa Thiên cảm động biết bao, họ nói đây là muối Cụ Hồ, rựa Cụ Hồ, vải Cụ Hồ… Tình cảm sâu đậm của Bác lan khắp bản làng, thấm sâu vào lòng đồng bào các dân tộc, chính điều này càng thắp sáng niềm tin yêu của đồng bào các dân tộc miền Tây Thừa Thiên với Đảng với Bác Hồ, tự nguyện đi theo Đảng, theo Bác đến cùng.

Sự quan tâm của Đảng, Bác Hồ, sự gương mẫu “miệng nói tay làm” của cán bộ, đảng viên, bộ đội Cụ Hồ đã đem đến kết quả hiện thực về kinh tế, văn hóa, xã hội. Đối với đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Thừa Thiên Huế nói riêng, thì cách mạng là một cuộc đổi đời “hoàn sinh”, cách mạng không chỉ giải phóng đồng bào khỏi ách áp bức bóc lột của giai cấp phong kiến, thực dân mà còn giải phóng đồng bào ra khỏi sự nghèo nàn lạc hậu, mang lại những giá trị làm người đích thực. Với lòng biết ơn và niềm tin sâu sắc vào Đảng và Bác Hồ, các thế hệ đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Thừa Thiên Huế đã luôn trung thành và đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế là căn cứ địa của tỉnh và cả nước, có đường mòn Hồ Chí Minh nối liền Bắc - Nam, là con đường chi viện sức người sức của cho miền Nam. Mỹ - Diệm thấy rõ vị trí chiến lược quan trọng của địa bàn miền núi, nên chúng đóng quân ở 18 căn cứ lớn nhỏ; lập ngụy quyền từ quận xuống tổng, xã, bản, làng; tổ chức tình báo đội lốt Tin lành và thương lái đi sâu vào các bản làng. Đồng bào coi Đảng, Bác Hồ kính yêu như vị thánh cứu dân, cứu nước, cứu những người nghèo khổ cho đồng bào mình. Niềm tin ấy đã biến thành hành động cụ thể là “thà chết nhất quyết không khai báo”, thực hiện khẩu hiệu ba không: “không biết, không nghe, không thấy”. Các cơ sở cách mạng của Đảng được phát triển đều khắp, đội ngũ cán bộ người dân tộc ngày càng lớn mạnh, các cơ quan đường hành lang chiến lược được đảm bảo tuyệt đối bí mật, an toàn, thông suốt. Đầu năm 1957, hơn 1.000 lượt cán bộ, học sinh từ Liên khu 5 đi ra Bắc dừng lại ở địa bàn A lưới được đồng bào nuôi dưỡng, che chở và đưa đi an toàn tuyệt đối.

Tháng 10/1960, đồng bào các dân tộc dưới sự lãnh đạo của tỉnh ủy và sự chỉ đạo, chỉ huy của Ban cán sự miền núi đã đồng loạt nổi dậy khởi nghĩa, phá tan ngụy quyền, xây dựng chính quyền cách mạng, phát động toàn dân diệt Mỹ, phát triển du kích chiến tranh, bức rút 15 đồn bốt của địch, bao vây chặt 3 căn cứ lớn, ta làm chủ miền núi, xây dựng thành căn cứ kháng chiến vững mạnh. Cuối năm 1965, tiêu diệt căn cứ A So, căn cứ biệt kích lớn của Mỹ, miền núi được hoàn toàn giải phóng. Mỹ phản kích bằng rải bom B52, chất độc hóa học, hoa màu bị hủy diệt, gần 1.000 đồng bào bị hy sinh nhưng vẫn không nao núng, vẫn kiên cường bám trụ, phân tán vào trong rừng sâu, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, với khẩu hiệu “Một tấc không đi một ly không rời”, “địch phá sản xuất của ta một, ta làm mười”, “địch phá ngày, ta làm đêm”, vừa sản xuất vừa bắn máy bay, diệt biệt kích. Quyết tâm giữ vững căn cứ, giữ vững thế trận liên hoàn với đồng bằng, thành phố, bảo đảm cho đồng bằng, thành phố liên tục tấn công nổi dậy, nhất là Cuộc tổng tiến công nổi dậy Xuân 1968 giành thắng lợi to lớn. Trong cuộc kháng chiến vĩ đại đó, quân và dân huyện A Lưới đã chiến đấu kiên cường, mưu trí dũng cảm, thực hiện gần 3.300 trận đánh lớn, nhỏ; trong đó 1.300 trận bắn máy bay; tiêu diệt hơn 6.000 tên địch; bắn rơi 219 máy bay Mỹ; bảo vệ an toàn tuyến hành lang chiến lược. Tiêu biểu là trận đánh giải phóng A So (1966) và trận đánh A Bia (1969) làm chấn động dư luận nước Mỹ. Từ đây miền núi Thừa Thiên hoàn toàn giải phóng và trở thành căn cứ địa kháng chiến của tỉnh và cả nước, một trong những căn cứ địa thuộc hệ thống đường chi viện chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tạo thành một vùng chiến lược quan trọng, bảo đảm cho đường Hồ Chí Minh thông suốt an toàn.

Kính thưa các đồng chí!

Giữa lúc quân và dân chiến trường Trị Thiên Huế đang nô nức lập công chào mừng kỷ niệm 24 năm Ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) thì sáng mồng 3/9/1969, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, chúng ta chịu một tổn thất vô cùng to lớn: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ trần..! Tổn thất này quá lớn lao, đau thương này thật là vô hạn. Núi rừng miền Tây Trị - Thiên ngày ấy chìm ngập trong mưa, đất trời như chia sẻ nỗi đau quặn thắt của con người! Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã từng diễn tả “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Bản thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy Ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được phát đi nhiều lần, trong nỗi đau tột cùng, nhiều đồng chí, đồng bào vẫn không tin vào tai mình là Bác Hồ kính yêu đã không còn nữa.

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta một văn kiện lịch sử vô giá; kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách của một vĩ nhân, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới - đó là bản Di chúc lịch sử (1969). Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua Di chúc của Người mang giá trị cách mạng, khoa học, nhân văn, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Mở đầu Di chúc, Người viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sum họp một nhà. Đó là điều chắc chắn”.  Sau khi chiến tranh kết thúc, Đảng cần phải làm từ xây dựng và chỉnh đốn Đảng; giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng; thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; thực hiện dân chủ rộng rãi; đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng. Đảng và Chính phủ phải chú trọng phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa, thực hiện chính sách xã hội đối với các tầng lớp nhân dân… nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Đây là một công việc rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng rất vẻ vang, cho nên, “để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân”. Người căn dặn Đảng phải quan tâm chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ, dân quân du kích, thanh niên xung phong, các liệt sĩ, thương binh, lực lượng vũ trang nhân dân, đoàn viên thanh niên, phụ nữ, nông dân…, những người đã không tiếc máu xương, sức lực, trí tuệ và tinh thần để hiến dâng và góp sức cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Bên cạnh đó, còn là những nạn nhân của chế độ cũ cũng được Người quan tâm. Làm được như vậy, thì “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Lòng yêu nước, thương dân, thương nhân loại khổ đau trong Di chúc đã thể hiện sự quan tâm của Người đến lợi ích của từng con người và lợi ích cả cộng đồng. Đó không chỉ là “tiếng lòng” của Người để lại cho mỗi người dân đất Việt hôm nay và mai sau mà là sự kết tinh những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước; là sự chắt chiu kinh nghiệm của một vị lãnh tụ luôn tận tâm với nước, tận hiếu với dân.

Trong nỗi đau mất mát đó, ngày 5 tháng 9 năm 1969, tại trạm 47, đường dây 559, dốc Cu Bồi (nay thuộc địa phận xã Tà Lo, huyện Sa Muội, tỉnh Sa La Văn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), Quân khu Trị Thiên tổ chức trọng thể lễ truy điệu Bác. Tiếp đó, Đảng ủy miền Tây và các Huyện ủy Quận I, Quận III và Quận IV đều tổ chức Lễ truy điệu Người và phát động thực hiện Di chúc của Bác. Chính trong giây phút thiêng liêng này, đồng loạt cán bộ chiến sỹ đồng bào các dân tộc A Lưới quyết định lấy họ Hồ của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm họ của chính mình, thể hiện niềm tin mãnh liệt và lòng biết ơn vô hạn đối với vị lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh. Việc đồng bào tự coi mình là “con cháu Bác Hồ” chính là biểu thị quyết tâm cao nhất của sự tôn kính, của lòng trung thành một lòng, một dạ đi theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Từ đây, Đảng bộ và quân dân miền núi biến đau thương thành sức mạnh, thành hành động cách mạng, quyết tâm thực hiện những lời Bác dặn trong bản Di chúc, trước hết là thực hiện cho được khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”; tiếp tục đoàn kết sản xuất chiến đấu, lập nên nhiều chiến công xuất sắc, góp phần tích cực đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn trong Di chúc của Người.

Với quyết tâm tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng, mặc dù địch đánh phá ác liệt vào rừng núi miền Tây và tuyến đường chiến lược 559, đồng bào các dân tộc miền núi đã tỏ rõ tinh thần chịu đựng gian khổ hy sinh để nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, bộ đội. Đồng bào đã hăng hái đóng góp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm để nuôi bộ đội. Động viên hàng ngàn con em nhập ngũ, thanh niên xung phong, huy động hàng vạn dân công tải đạn tham gia các chiến dịch, vận chuyển vũ khí, kho tàng nhà cửa cho các cơ quan; tham gia mở các tuyến đường 71, 72, 73, 74 từ miền núi xuống đồng bằng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường. Họ đã cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, góp sức cùng với cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân lịch sử 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ trong máu lửa của cuộc kháng chiến vĩ đại ấy, những tên đất, tên người như: A So, A Lưới, A Bia, Cooh cava, Dốc Mèo; Anh hùng Hồ Vai, Kăn Lịch, Kăn Đờm, A Nun, Hồ Dục, Cu Tríp, Căn Tréc… đã đi vào lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh. Ghi nhận những thành tích, công lao to lớn của đồng bào các dân tộc A Lưới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước đã phong tăng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân huyện A Lưới” và 18 tập thể, 8 cá nhân; 26 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều danh hiệu, huân, huy chương cao quý khác. Toàn huyện có 800 liệt sỹ, 500 thương binh đã anh dũng hy sinh và đóng góp một phần thân thể cho sự nghiệp cao cả giải phóng thống nhất nước nhà.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, non sông thu về một mối, huyện A Lưới chính thức được thành lập (tháng 3/1976) trên cơ sở hợp nhất 3 quận: Quận I, Quận III và 2 xã của Quận IV; đón nhận đồng bào Kinh từ Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang lên A Lưới lập nghiệp xây dựng quê hương mới với biết bao nhiêu khó khăn. Trong điều kiện hòa bình, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện A Lưới càng có điều kiện thực hiện những điều Bác dặn phải làm sau khi chiến tranh kết thúc. Đó là công việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng; giáo dục đào tạo thế hệ cách mạng kế cận như thanh niên, phụ nữ trở thành cán bộ “vừa hồng”, “vừa chuyên”; phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ; xây dựng văn hóa - xã hội… Một lần nữa, tự hào là những người con mang họ Hồ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện A Lưới phát huy truyền thống tiến công cách mạng, lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đoàn kết quyết tâm tiếp tục thực hiện những lời căn dặn của Bác trong bản Di chúc thiêng liêng.

Qua 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện A Lưới ngày càng trưởng thành, phát triển toàn diện, ngày càng tin tưởng và quyết tâm hành động để thực hiện lý tưởng cách mạng của Đảng. Từ 6 đảng viên lúc mới thành lập chi bộ đầu tiên (1949), A Lưới ngày nay là Đảng bộ có 58 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, 244 chi bộ, với hơn 4.832 đảng viên đã trưởng thành, đủ sức đảm đương nhiệm vụ, trong đó đảng viên dân tộc thiểu số trên 3700, chiếm khoảng 79%, có trên 700 hội viên Hội Nông dân Việt Nam; trên 1.000 hội viên Hội Phụ nữ Việt Nam; gần 5.000 Đoàn viên ĐTNCS Hồ Chí Minh; gần 3.000 hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam, hơn 2.200 cán bộ công nhân viên chức; cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành đạt chuẩn hóa chiếm tỷ lệ cao, đủ khả năng đảm nhận nhiệm vụ chính trị của địa phương cả trước mắt và lâu dài. Vấn đề ăn, mặc, đi lại, học hành, chữa bệnh, nghe, nhìn, vui chơi giải trí được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chăm lo. Đến nay đã xóa được trên ba ngàn nhà tạm bợ cho đồng bào nghèo đặc biệt khó khăn, đã giải quyết tốt các loại chính sách xã hội, người có công cách mạng. 100% xã, thị trấn có điện - đường - trường - trạm và trụ sở làm việc tầng hóa, ngói hóa. Hầu hết các trục đường giao thông ngang dọc đều được bê tông hóa, có đường Hồ Chí Minh đi qua A Lưới với chiều dài 106 km khai thông hành lang giao thông xuyên suốt Bắc - Nam; có cửa khẩu S3 Hồng Vân - Cô Tài; S10, A Đớt - Ta Vàng, mở ra triển vọng mới cho việc giao thương phát triển kinh tế cho cả hai nước Việt Nam - Lào trong tương lai; thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng, toàn huyện đã có 3 xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Toàn huyện có có 25/48 trường đạt chuẩn quốc gia; trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng. Huyện đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đời sống văn hóa của nhân dân không ngừng được nâng cao, công tác y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân được đầu tư quan tâm: có trung tâm y tế huyện cùng 21/21 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Đảng bộ và nhân dân A Lưới vô cùng tự hào trước những thành quả đạt được hôm nay thực sự là một bước tiến dài, một sự đổi thay lớn đã diễn ra trên mảnh đất này. A Lưới hôm nay là một điểm nhấn trên hành lang kinh tế Đông - Tây, có nền kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân có sự cải thiện đáng kể. Ghi nhận những thành tựu đạt được trong xây dựng quê hương A Lưới, Thủ tướng Chính phủ đã tặng nhiều Bằng khen. Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Ba” cho Đảng bộ và nhân dân A Lưới.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng giá trị và ánh sáng diệu kỳ tỏa ra từ bản Di chúc lịch sử, xứng tầm mọi thời đại vẫn trường tồn. Trong đó biểu hiện sinh động nhất chính là tình yêu thương sâu sắc đối với con người, vì con người vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lớn lao và tính thời sự sâu sắc. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện A Lưới đoàn kết ra sức phấn đấu thực hiện Di chúc của Người; đã nhận thức sâu sắc những điều Người dặn dò, gửi gắm là vô cùng hệ trọng đối với sự nghiệp cách mạng và vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Những trăn trở của Người, điều tâm nguyện từ trái tim, trí tuệ của Người đã và đang được nỗ lực thực hiện bởi những con người tin Đảng, tin Bác kính yêu và giàu lòng yêu nước. Tình cảm sâu nặng, sự chăm sóc ân tình và sự dạy bảo ân cần của Bác với muôn vàn tình yêu thương vẫn mãi vẹn nguyên đối với các thế hệ đồng bào các dân tộc A Lưới. Đã hàng mấy chục năm nay, nhiều cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Thừa Thiên Huế đã mang họ Hồ và tiếp tục mang họ của Bác đến đời đời con cháu mai sau.

Kỷ niệm 50 năm Ngày đồng bào các dân tộc A Lưới mang họ Hồ, 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người (9/1969 - 9/2019) là dịp để chúng ta bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; đánh giá những gì đã làm được theo Di chúc của Người.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Giờ đây sống trong hòa bình, ấm no, đồng bào các dân tộc huyện A Lưới càng bồi hồi, xúc động khi nghĩ về Người. Trong sâu thẳm ký ức, mỗi người dân A Lưới luôn thầm hứa với Bác, với Đảng sẽ mãi ghi sâu lời Bác dạy “được mang họ Bác Hồ thì phải sống, lao động, học tập, chiến đấu, sản xuất cho thật tốt để Bác vui lòng”. Vì vậy, để thực hiện Di chúc của Người hiệu quả, nhất là trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong thời gian tới, cần tiếp tục gắn thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với các Nghị quyết Trung ương về xây dựng Đảng (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII), các nghị quyết về văn hóa, con người, phát triển kinh tế, phát triển các lĩnh vực đời sống xã hội Việt Nam trong thời kỳ mới. Đồng thời, phải tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tăng cường sự đồng thuận của nhân dân và khối đại đoàn kết dân tộc để nhân lên những thành công, khắc phục yếu kém và khuyết điểm, gạt bỏ những lực cản, tạo động lực mới để phát triển huyện nhà, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mỗi một chúng ta cần phải biểu thị quyết tâm cao làm theo lời Bác dạy, trân trọng tinh hoa của lịch sử, làm tròn trách nhiệm của hiện tại, nghĩa vụ với tương lai, kế thừa liên tục trong lịch sử, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân các dân tộc trên quê hương. Đó là cách tốt nhất để tỏ lòng tôn kính Chủ tịch Hồ Chi Minh và khẳng định giá trị, sức sống trường tồn của bản Di chúc lịch sử.

Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh Muôn năm!

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Muôn năm!

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

Xin trân trọng cảm ơn!

ĐTĐ
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.893.007
Truy cập hiện tại 529