Tìm kiếm tin tức

 

   Đồng chí HUỲNH CÔNG QUẢNG                  TUV, BÍ THƯ HUYỆN ỦY

Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020). Dấu ấn lịch sử hào hùng, khát vọng vươn lên của đồng bào dân tộc huyện A Lưới
Số lượt xem 4378Ngày cập nhật 26/04/2020

Cách đây 45 năm, thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến cứu nước; hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối.

 

Xe tăng của Lữ đoàn tăng – thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập,

trưa 30/4/1975. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)

Cách đây 45 năm, thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến cứu nước; hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối.

Đánh giá về sự kiện lịch sử vĩ đại này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng ngày 14/2/1976 đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Bộ đội Sư đoàn 320A (Quân đoàn 3) đánh chiếm căn cứ Đồng Dù ngày 29/4/1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

45 năm qua, từ dấu ấn lịch sử hào hùng chói lọi ấy, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục đoàn kết một lòng tiến hành thành công công cuộc đổi mới đưa đất nước ra khỏi tình trạng đói nghèo, lạc hậu. Giờ đây bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam đang tiếp tục tỏa sáng trong thực hiện khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bản lĩnh, trí tuệ ấy lại được thể hiện trong thời gian vừa qua, khi cả nước chung tay phòng chống đại dịch COVID-19 thành công, không để dịch lây lan ra cộng đồng dân cư, được ban bè thế giới đánh giá cao.

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm sự kiện lịch sử vĩ đại này, chúng ta hãy ngược dòng thời gian trở về lịch sử của những thời khắc trước ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.

Quân giải phóng tiến đánh sân bay Tân Sơn nhất (ảnh TTXVN)

Vào cuối năm 1974 và những tháng đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở Miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng. Ngày 25/3/1975, khi chiến dịch Trị - Thiên và chiến dịch Nam - Ngãi còn chưa kết thúc, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp, nhận định: Địch dù quyết “Tử thủ” vẫn không thể giữ nổi Đà Nẵng, thời cơ chiến lược đã tới, trong suốt 20 năm chống Mỹ cứu nước, chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này. Từ nhận định này, Bộ Chính trị hạ quyết tâm: Nắm vững thời cơ chiến lược mới, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay, giải phóng miền Nam trước mùa mưa (tháng 5/1975).

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn của chiến trường, ngay trong cuộc họp ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 241-NQ/TW về việc thành lập Hội đồng chi viện miền Nam, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, Ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Nghị làm Phó Chủ tịch. Nhiệm vụ của hội đồng là: Quyết định những chủ trương, kế hoạch, biện pháp chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc động viên, vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường; giải quyết các vấn đề về tiếp quản vùng mới giải phóng; chỉ đạo phối hợp các ngành, các địa phương thực hiện kế hoạch chi viện cho miền Nam một cách tích cực và hiệu quả nhất. Cũng tại cuộc họp này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch giải phóng Đà Nẵng (mặt trận Quảng - Đà) với mật danh Mặt trận 475, nhằm tiêu diệt toàn bộ quân địch co cụm tại đây, tạo thuận lợi cho quân và dân ta đánh đòn quyết định cuối cùng giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp thảo luận kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Sau chiến thắng của quân ta ở chiến dịch Huế - Đà Nẵng và chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Chính trị đã nhận định:“Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng Miền Nam” và Quyết định: “Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Miền Nam trước mùa mưa”, đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được Bộ Chính trị Quyết định mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Trước khi tấn công giải phóng Sài Gòn, quân ta đã tiến công Xuân Lộc và Phan Rang, đây là những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch để bảo vệ Sài Gòn từ phía đông.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương

duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh (Hà Nội, 4/1975). (Ảnh: TTXVN)

Vào lúc 17 giờ ngày 26/4/1975, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của Sài Gòn, Dương Văn Minh vừa lên chức Tổng thống ngày 28/4/1975 đã phải tuyên bố đầu hàng quân ta không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết - Lộc Ninh (tháng 4/1975). (Ảnh: TTXVN)

Đại thắng mùa xuân 1975 đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, cũng như chứng minh tinh thần quật khởi của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm. Chiến thắng đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, cả nước cùng tiến lên CNXH. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử nước ta và của thế giới, như một trang sử chói lọi ở những năm 70 của thế kỷ XX, mang tầm quốc tế, tầm thời đại sâu sắc.

Ngày 30/4/1975, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

(Tranh cổ động 45 năm Ngày giải phóng miền Nam năm 2020 của Bộ VH-TT&DL)

Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.

Khu vực trung tâm A Lưới ngày nay

A Lưới là huyện miền núi được thành lập (tháng 3/1976) sau gần 01 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng trong cuộc kháng chiến vĩ đại đó, quân và dân huyện A Lưới đã chiến đấu kiên cường, mưu trí dũng cảm; với quyết tâm tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng, mặc dù địch đánh phá ác liệt vào rừng núi miền Tây và tuyến đường chiến lược 559, đồng bào các dân tộc miền núi A Lưới, đã tỏ rõ tinh thần chịu đựng gian khổ hy sinh để nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, bộ đội. Đồng bào đã hăng hái đóng góp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm để nuôi bộ đội. Động viên hàng ngàn con em nhập ngũ, thanh niên xung phong, huy động hàng vạn dân công tải đạn tham gia các chiến dịch, vận chuyển vũ khí, kho tàng nhà cửa cho các cơ quan; tham gia mở các tuyến đường 71, 72, 73, 74 từ miền núi xuống đồng bằng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường. Họ đã cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, góp sức cùng với cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân lịch sử 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đoàn 559 vận tải hàng hóa vào Nam  đi qua  miền Tây Trị - Thiên (ảnh TTXVN)

Từ trong máu lửa của cuộc kháng chiến vĩ đại ấy, những tên đất, tên người như: A So, A Lưới, A Bia, Cooh cava, Dốc Mèo; Anh hùng Hồ Vai, Kăn Lịch, Kăn Đờm, A Nun, Hồ Dục, Cu Tríp, Căn Tréc… đã đi vào lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh. Ghi nhận những thành tích, công lao to lớn của đồng bào các dân tộc A Lưới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước đã phong tăng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân huyện A Lưới” và 18 tập thể, 8 cá nhân; 26 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều danh hiệu, huân, huy chương cao quý khác. Toàn huyện có 800 liệt sỹ, 500 thương binh đã anh dũng hy sinh và đóng góp một phần thân thể cho sự nghiệp cao cả giải phóng thống nhất nước nhà.

Anh hùng Hồ Vai (thứ 4 từ phải sang) chụp chung với Bác Hồ năm 1965

Phát huy tinh thần 45 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1975). Sau 44 năm thành lập, Đảng bộ và nhân dân huyện A Lưới vô cùng tự hào trước những thành quả đạt được hôm nay thực sự là một bước tiến dài, một sự đổi thay lớn đã diễn ra trên mảnh đất này. A Lưới hôm nay là một điểm nhấn trên hành lang kinh tế Đông - Tây, có kinh tế đang phát triển, chính trị, an ninh quốc phòng ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc có sự cải thiện đáng kể. Ghi nhận những thành tựu đạt được trong xây dựng quê hương A Lưới, Thủ tướng Chính phủ đã tặng nhiều Bằng khen. Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Ba” cho Đảng bộ và nhân dân A Lưới.

Phục dựng lại lễ hội truyền thống tại Phiên chợ vùng cao đầu năm 2020

Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mỗi người dân Việt Nam mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các anh hùng, các thế hệ cha ông ta đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Chúng ta càng tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam, vào tinh thần quật cường bất khuất và trí thông minh, sáng tạo của dân tộc ta, của quân đội ta. Mỗi người dân Việt Nam nói chung và đồng bào các dân tộc huyện A Lưới nới riêng, nguyện tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm vươn lên giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Theo “Tinh thần “Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020) bất diệt”./.

Các hình ảnh năm 1975  (ảnh TTXVN)



 

 

ĐTĐ (sưu tầm và biên soạn)
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.890.838
Truy cập hiện tại 27